Sáng ngày 24/5/2024, Đại hội Hội Di sản Văn hóa tỉnh Ninh Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã được tổ chức tại khách sạn Hoàng Sơn Peace, thành phố Ninh Bình.
Toàn cảnh Đại hội
Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 2005 gồm đại diện những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, những người tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua 19 năm hoạt động, Chi hội Di sản Văn hoá tỉnh Ninh Bình luôn hoạt động tích cực, góp phần phát huy giá trị di sản văn hoá của địa phương nói riêng và vào hoạt động của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nói chung.
Để nâng cao hơn nữa các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam nói chung và di sản văn hoá Ninh Bình nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam nhất là hiện nay tỉnh Ninh Bình đang triển khai nhiệm vụ, giải pháp hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là đô thị Di sản. Ngày 01/3/2024 Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định số 29/QĐ-NNV thành lập Hội Di sản Văn hóa tỉnh Ninh Bình. Hội Di sản Văn hóa tỉnh Ninh Bình chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, có tư cách pháp nhân, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, trụ sở đặt tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.
Đại hội Hội Di sản Văn hóa tỉnh Ninh Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội gồm 11 ủy viên, ông Nguyễn Đức Long – nguyên Giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Trưởng ban vận động thành lập Hội Di sản Văn hóa tỉnh được bầu là Chủ tịch Hội.
Sau Đại hội, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Ninh Bình cần từng bước phấn đấu, phát huy vai trò để đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Văn hóa của tỉnh Ninh Bình nói riêng và di sản Văn hóa Việt Nam nói chung với các hoạt động cụ thể: Tập hợp và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, các hội liên quan, các địa phương, Hội Di sản Văn hoá các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; Nghiên cứu đề xuất với Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành có liên quan các chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc; Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá cho hội viên và các chủ doanh nghiệp, doanh nhân, chủ sở hữu di sản; Tuyên truyền, vận động phát triển hội viên mới; Hàng năm tổ chức các đợt tham quan thực tế các di tích lịch sử, văn hoá, các bảo tàng tỉnh, thành phố trong cả nước và các khu di sản nhằm nâng cao kiến thức cho hội viên về di sản văn hoá; Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quan tâm đến di sản văn hoá, thúc đẩy sự nghiệp xã hội hoá nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản…