Năm 2023 đã khép lại với những tín hiệu tốt lành khi nền kinh tế Ninh Bình đang dần phục hồi, một số ngành kinh tế chủ lực đã có sự tăng trưởng trở lại. Nổi bật là lĩnh vực du lịch tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy ngành dịch vụ, thương mại phát triển.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Anh Tuấn
Động lực phát triển bền vững
Năm 2023, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch của cả nước. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, ngành Du lịch Ninh Bình tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Trong năm, số lượt khách, doanh thu du lịch tiếp tục tăng nhanh, vượt mức kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022, đạt trên 123% kế hoạch đề ra. Doanh thu du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và đạt trên 156% so với kế hoạch.
Kết quả đạt được của ngành Du lịch đã góp phần quan trọng đưa khu vực thương mại, dịch vụ, trở thành động lực và tạo bước đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của khu vực thương mại, dịch vụ đạt trên 20.400 tỷ đồng, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số. Đây là khu vực có đóng góp cao nhất cũng như có tốc độ tăng trưởng ổn định nhất năm vừa qua.
Mặc dù, nếu nói về đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế thì ngành Du lịch chiếm tỉ lệ chưa cao, song sự phát triển mạnh mẽ của ngành đã tạo tiền đề, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, như lưu trú, vận tải, ẩm thực, quà lưu niệm…
Theo đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Một trong những đóng góp quan trọng của ngành Du lịch chính là tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động địa phương, qua đó nâng cao thu nhập, mức sống, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Đây cũng là mục tiêu, khát vọng to lớn mà tỉnh Ninh Bình luôn hướng tới để đảm bảo mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên và chăm lo đời sống Nhân dân. Do đó, ngoài doanh thu trực tiếp, cần nhìn nhận cả những đóng góp gián tiếp của du lịch đối với các lĩnh vực khác mới thấy hết vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII tiếp tục xác định, phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP.
Ngoài ra, những mục tiêu, khát vọng được tỉnh Ninh Bình xác định gần đây-đó là xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, về cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển.
Để thực hiện những mục tiêu này, du lịch cần tiếp tục hướng tới vai trò là trụ cột đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và là động lực phát triển mạnh mẽ cho các ngành kinh tế khác. Trước mắt, trong năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đón 6,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đón 900 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 8.250 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin: Ngành Du lịch đã và đang triển khai "đa nhiệm vụ", "đa giải pháp" với quyết tâm, nỗ lực cao nhất như: Tập trung vào quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, hạ tầng giao thông đường thủy phát triển du lịch trên sông. Bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng du lịch trọng điểm, đặc biệt tại các khu du lịch được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.
Cùng với đó là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế đêm, phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhiều tiềm năng, như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ, du lịch chữa bệnh, du lịch thể thao nước, vui chơi giải trí cao cấp…
Đồng thời, Ninh Bình cũng tăng cường quản lý Nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Tiếp tục nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự chuyên nghiệp, đẳng cấp, mang thương hiệu đất và người Cố đô.