Trong 3 ngày diễn ra Festival tại Ninh Bình, với chủ đề "Tràng An kết nối di sản", một kỳ Festival lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Bình nhưng đã nhận được sự quan tâm, tham gia, cổ vũ của nhiều đoàn các địa phương trong cả nước và nước ngoài cũng như đông đảo nhân dân và du khách. Các chương trình tại Festival được đánh giá là tổ chức hoành tráng, rực rỡ, sôi động, đa sắc màu, đem lại sự thành công, mãn nhãn cho người xem. Nói như Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, Festival Ninh Bình là câu chuyện kết nối di sản. Từ di sản Tràng An mời gọi và kết nối những di sản các vùng, miền trong cả nước. Đây không phải là Festival của riêng Ninh Bình, mà Ninh Bình là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản trong cả nước....
Tiết mục Quan họ Bắc Ninh đã mang đến cho Festival màu sắc đa văn hóa. Ảnh: Minh Quang
Đa sắc màu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật
Trong 3 ngày tổ chức Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống được tổ chức luân phiên, đan xen, sôi nổi, đa sắc màu, thấm đẫm tinh thần di sản văn hóa truyền thống, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và du khách. Đã có hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, người đẹp... tham gia các hoạt động biểu diễn, trình diễn, thể hiện tại Festival Ninh Bình. Cùng với đó là hàng triệu khán giả trong và ngoài nước xem trực tiếp và qua các kênh sóng của Đài truyền hình Việt Nam, một số Đài địa phương, trên các trang mạng xã hội về sự kiện Festival tại Ninh Bình.
Hoa hậu Du lịch Benelux, tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới tại Việt Nam, đã có những trải nghiệm tại lễ khai mạc và lễ hội đường phố trong sự kiện Festival Ninh Bình 2022, chia sẻ: Tôi rất vui và cảm nhận được sự ấm áp, thân thiện của mỗi người dân Ninh Bình khi gặp mặt. Tôi vui hơn khi được trình diễn trong các sự kiện của các bạn và hiểu được phần nào nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tôi yêu thích bộ áo dài, những bông hoa sen và chiếc nón lá Việt Nam. Tôi cũng đã được tham quan Quần thể danh thắng Tràng An, được chụp ảnh tại một số điểm du lịch tuyệt đẹp của Ninh Bình. Người dân Benelux chưa nhiều người biết về Việt Nam, về Ninh Bình, khi trở về đất nước mình, tôi sẽ giới thiệu về đất nước các bạn đến người dân quê hương tôi...
Các hoa hậu Du lịch thế giới của các nước trong trang phục truyền thống biểu diễn tại chương trình Lễ hội đường phố. Ảnh: Trường Huy
Chị Phit-Sạ-Mo, thành viên Đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Nước CHDCND Lào) chia sẻ: Tham dự Festival tại Ninh Bình, chúng tôi đã tham dự các tiết mục tại lễ khai mạc, lễ hội đường phố và cả lễ bế mạc. Ai cũng thấy vui mừng, hạnh phúc và tự hào khi được đóng góp nét văn hóa Lào vào chuỗi các sự kiện và góp phần vào thành công cho Festival. Các tiết mục tham gia biểu diễn của chúng tôi, như múa truyền thống của dân tộc Phu Xang, biểu diễn khèn Lào... hòa quyện cùng các tiết mục văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, của tỉnh Ninh Bình như hát Xẩm, biểu diễn Cồng chiêng, múa Rối, múa Rồng, Lân... đã tạo nên sự sôi động, lý thú và đa sắc màu cho lễ hội văn hóa tại Festival. Tôi mong sẽ có thêm nhiều lần được trở lại Ninh Bình, đến Việt Nam để giao lưu, cùng trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đã và đang có của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất.
Chị Gbá Tố Nga, Trưởng đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đăk Lăk cho biết: Qua thăm quan một số gian trưng bày tại Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống, chị thực sự ấn tượng với cách thức quảng bá giới thiệu di sản của các địa phương tham gia. Như gian trưng bày của Ninh Bình, Hà Nội, cùng với các hình ảnh, hiện vật, sản phẩm văn hóa tiêu biểu, còn kèm theo nhiều thông tin khoa học có giá trị, giúp người xem hình dung được tầm vóc và giá trị lịch sử của di sản. Theo chị Tố Nga, cách thức các nhà tổ chức thiết kế tổng thể triển lãm, cũng như các địa phương thực hiện hoạt động trưng bày, quảng bá tại triển lãm, đã tạo ấn tượng đặc biệt cho mỗi người đến xem, tham quan và tìm hiểu.
Tham gia khá đầy đủ các chương trình tại Festival Ninh Bình 2022, các thành viên CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) đã mang đến lễ hội nét văn hóa, di sản phi vật thể riêng có. Bà Nguyễn Thị Mận, chủ nhiệm CLB chia sẻ: 10 thành viên tham gia các chương trình nghệ thuật, thì có đến 8 thành viên là trẻ em dưới 10 tuổi, đều nhuần nhuyễn cách hát Xẩm, đánh Xênh, gõ Phách, kéo Nhị. Chúng tôi muốn mang đến Festival hình ảnh những người trẻ tuổi, mới chỉ 6-8 tuổi nhưng đã nhuần nhuyễn với Xẩm như thế nào, khẳng định sức sống của nghệ thuật hát Xẩm đang được tỉnh Ninh Bình khôi phục và phát huy rất tốt trong đời sống đương đại.
Màn biểu diễn trống nhảy của huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Trường Huy
Dành thời gian đi xem hầu hết các chương trình tại Festival Ninh Bình 2022, bác Đinh Văn Tuấn, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Người dân chúng tôi thực sự vui mừng và háo hức với các sự kiện được tổ chức tại thành phố Ninh Bình. Rất ít khi, một sự kiện văn hóa được tổ chức trong không gian rộng, với nhiều chương trình kết nối liên hoàn, đan xen, thú vị và đa dạng như vậy. Qua các chương trình, tôi hiểu thêm về văn hóa truyền thống, các di sản phi vật thể, nghệ thuật dân gian của Ninh Bình rất đa dạng và đặc sắc. Cùng với đó là nền văn hóa của các tỉnh, thành phố trong nước, mới thấy đất nước mình thật tuyệt vời. Con người ở đâu, vùng đất nào, nền văn hóa có khác nhau, nhưng đều yêu thích cái đẹp, sự thân thiện khi gặp gỡ, giao tiếp, hướng đến niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Tôn trọng và giữ nguyên bản các giá trị di sản
Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, nắm bắt được tinh thần của UBND tỉnh Ninh Bình là tâm huyết và mong mỏi, "Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản" là dịp hội ngộ và lan tỏa trong hệ thống các di sản văn hóa trên khắp các vùng miền của cả nước, hướng tới tầm nhìn tương lai. Kỳ vọng, Festival Ninh Bình - Tràng An kết nối di sản sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival di sản Quốc gia, mang tầm Quốc tế và trở thành thương hiệu văn hóa di sản của quê hương Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Với tinh thần ấy, trong các chương trình được dàn dựng và thực hiện với tinh thần kết nối, lan tỏa giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư với các vùng miền trong cả nước. Từ di sản Tràng An mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Dung dị, không đao to búa lớn, định hướng của Festival rất rõ ràng, đây không phải là Festival của riêng Ninh Bình, mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản. Nhất là, lễ khai mạc Festival được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, là điểm nhấn giúp Ninh Bình kết nối với một số địa phương trong cả nước nhằm tôn vinh và quảng bá di sản văn hóa... - Tổng đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh.
Nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc của các địa phương trong nước tham dự Festival. Ảnh: Trường Huy
Trong lễ khai mạc, lễ hội đường phố và lễ bế mạc, khán giả đã được xem các tiết mục nghệ thuật truyền thống, trình diễn dân gian đặc sắc, độc đáo của nhiều địa phương trong cả nước, như: Biểu diễn hát Xẩm, hát chèo, trình diễn trống nhảy (Ninh Bình); múa rối nước Thăng Long (Hà Nội); múa rối cạn (Hải Phòng); hát quan họ (Bắc Ninh); hát chầu văn (Hà Nam, Nam Định); biểu diễn trò Xuân Phả (Thanh Hóa); dân ca Ví dặm (Nghệ An); múa cung đình "Lục cúng Hoa Đăng" (Huế); tái hiện di sản không gian văn hóa biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên; các bài Đờn ca tài tử của các tỉnh, thành phía Nam…
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn tại lễ khai mạc là phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của các người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam. Bộ sưu tập có chủ đề "Âm sắc đại ngàn", được thực hiện bởi nhà thiết kế Thạch Linh. Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ trang phục các dân tộc Việt Nam, thực hiện trên chất liệu thổ cẩm dệt thủ công, phối hợp cùng các họa tiết, phụ kiện đặc sắc, đính hạt thủ công rất cầu kì, tỉ mỉ. Bộ sưu tập thời trang thổ cẩm nhằm giới thiệu nét đặc trưng văn hóa mặc hết sức độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam...
Cũng theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, Festival Ninh Bình là câu chuyện của kết nối di sản. Với sự tham gia của hàng chục tỉnh, thành trên địa bàn cả nước về tham dự Festival, nên trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung và sáng tác hệ thống kịch bản cho các chương trình của Festival, đạo diễn đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh, thành về tham dự Festival như những hạt nhân cốt lõi của từng tiết mục, qua đó cố gắng giữ được tính nguyên gốc, mộc mạc và độc đáo, đa dạng của các giá trị di sản từng địa phương. Chương trình trước hết phải chuẩn về mặt di sản, để các nhà nghiên cứu, chuyên gia di sản, UNESCO công nhận và đánh giá cao...
"Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa NSND Hồng Phong; Nhạc sĩ, NSƯT Hồ Trọng Tuấn cũng cùng thống nhất quan điểm và nguyên tắc dàn dựng Festival này là phải giữ tính nguyên bản độc đáo, đặc sắc của từng tỉnh, thành phố. Chúng tôi cho rằng, không nên lo ngại tổ chức Festival di sản là xưa cũ, nhàm chán. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn. Nên từ chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc, Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống tới Lễ hội đường phố và Bế mạc, phương pháp tiếp cận này nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ kết cấu nội dung của Festival Ninh Bình 2022" - Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.
Lan tỏa công tác bảo tồn và phát huy di sản từ Festival Ninh Bình
Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vui mừng đón nhận sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Fesival di sản Ninh Bình lần thứ nhất với tên gọi "Tràng An kết nối di sản", để qua đó, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc, thể hiện sức lưu truyền, lan tỏa tinh hoa văn hóa và tiếp thu văn hóa của thế giới, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn và tin rằng, thông qua hoạt động và khuôn khổ của Fesival 2022, Ninh Bình tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên xây dựng văn hóa con người, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của vùng Cố đô Ninh Bình nói riêng. Đặc biệt chú trọng các giải pháp để nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tỉnh Ninh Bình và các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy các giá trị di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với thông điệp chung tay giữ gìn di sản. Đồng thời cảm ơn các bạn quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài đã luôn hưởng ứng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam, tích cực và nhiệt tình tham gia Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản. Mong rằng, các hoạt động giao lưu văn hóa nói chung, của Việt Nam và Festival nói riêng, sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi và đông đảo hơn nữa của các miền di sản trong cả nước, trong khu vực và trên toàn thế giới, phát triển thành thương hiệu di sản của Ninh Bình trong những năm tiếp theo.
Tiết mục biểu diễn múa rối của Đoàn nghệ thuật thành phố Hải Phòng. Ảnh: Trường Huy
Đánh giá về Festival tổ chức tại Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình 2022 khẳng định: Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Trong 3 ngày diễn ra, với nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa, đã thực sự đem lại không khí sôi động hân hoan đến nhân dân và du khách. Các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch diễn ra luân phiên, đan xen đầy màu sắc và ấn tượng, thấm đẫm tinh thần văn hóa truyền thống, dân tộc. Lần đầu tiên được tổ chức, Festival Ninh Bình đã thực sự mang lại sự mới lạ, một cái nhìn, một cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống.
Là địa phương chủ nhà của Festival, với tinh thần tích cực, chủ động, trọng thị và hiếu khách của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam, các tỉnh, thành phố bạn và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam trong công tác chuẩn bị và tổ chức các sự kiện; đã dành sự quan tâm đặc biệt, huy động toàn lực với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao nhất để Festival Ninh Bình diễn ra an toàn, thành công, nhân dân và du khách được hưởng thụ không gian văn hóa truyền thống và hiện đại, sôi nổi và lắng đọng, để Festival Ninh Bình thực sự là điểm hẹn văn hóa.
Thành công của Festival Ninh Bình năm 2022 là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình hướng tới xây dựng Festival Ninh Bình trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế - nơi hội tụ, kết nối, kết tinh, tôn vinh, lan tỏa các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc và nhân loại.
Qua lần đầu tổ chức, Festival Ninh Bình dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, với sự tham gia của các địa phương, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và du khách; góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Ninh Bình.