Trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế du lịch nông thôn (DLNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ là xu thế tất yếu, có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, việc khai thác DLNT hiện vẫn còn nhiều hạn chế dù Việt Nam có tiềm năng lớn.
Phát triển du lịch nông thôn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, nghề truyền thống của cộng đồng địa phương. Ảnh: Bích Nguyên (chụp trước khi dịch Covid-19)
Tiềm năng lớn trong nông thôn
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: “Hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. DLNT nói chung khá đa dạng, tuy nhiên, các loại hình DLNT chủ đạo là: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, hiện có 73 tuyến du lịch dẫn khách đến các điểm DLNT và 365 điểm DLNT”.
Hiện nay, nhiều hãng lữ hành tổ chức các tour du lịch nông nghiệp, đưa khách tới những khu vực sản xuất nông nghiệp có không gian, cảnh quan, môi trường văn hóa mang đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam. Các dịch vụ bổ trợ trong hoạt động du lịch nông nghiệp ngày càng đa dạng và sáng tạo, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược địa phương, tham gia lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh theo các mùa hoa, trái... Các du khách có thể trực tiếp trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, như cày bừa, bắt cá, tưới rau, thu hái trái cây...
Trong khi đó, sản phẩm du lịch cộng đồng ở nước ta cũng rất phong phú, đa dạng như: Du lịch văn hóa tại cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ, du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại cộng đồng (dịch vụ lưu trú homestay).... Còn loại hình du lịch sinh thái đã phát triển tại một số địa phương, chủ yếu tập trung ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tiềm năng phát triển DLNT, trong đó có du lịch cộng đồng là rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nông thôn, đặc biệt là tại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động DLNT đã đem lại những đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cụ thể, DLNT góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch. Bên cạnh đó, DLNT phát triển đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, phát triển DLNT hiệu quả sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững, nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng.
Cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể
Phát triển DLNT được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững. Nông thôn phát triển cũng là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển DLNT còn rất hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm DLNT của nhiều địa phương hiện chưa đặc sắc, khách du lịch hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước và khách tại chỗ.
Số lao động tham gia vào lĩnh vực DLNT chưa nhiều, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500-1.000 lao động, chỉ chiếm khoảng 5-15% tổng lực lượng lao động trong ngành du lịch, 2/3 là lao động gián tiếp. Mô hình tổ chức DLNT chủ yếu mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, khu vực nông thôn Việt Nam rất có tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Bích Nguyên
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là do chưa có chính sách tổng thể cho phát triển DLNT ở cấp quốc gia. Theo Tổng cục Du lịch, để thúc đẩy phát triển DLNT trong giai đoạn tới gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững, cần thực hiện quy hoạch phát triển DLNT đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. DLNT cần phải thực hiện tư duy mới, khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo tồn được các giá trị tự nhiên và văn hóa.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DLNT. Xây dựng và ban hành chính sách quản lý, hỗ trợ, ưu đãi cho từng loại hình DLNT (du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp), từng đối tượng chủ thể (hộ dân, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp...) tham gia cung ứng dịch vụ DLNT.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho rằng, để phát triển DLNT cần có chủ trương, cơ chế vàchính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương (đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý DLNT, hỗ trợ DLNT, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịchnông thôn...). Đồng thời, phải xây dựng bản đồ DLNT, trong đó, chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền, từng địa phương trên cơ sở liên kết hình thành tuyến. Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố: Đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương.