Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền rừng núi Cúc Phương những năm qua không ngừng được cải thiện. Nhiều tập tục văn hóa như hát mo Mường, hát bọ mẹng, hát sắc bùa, biểu diễn cồng chiêng... được giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở vùng đất này.
Trình diễn chiêng tại động Người Xưa ở rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Sức ép từ phát triển kinh tế
Vùng đại ngàn Cúc Phương có diện tích 22.400 ha, nằm trên địa bàn 15 xã, bốn huyện, thuộc ba tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Vùng đệm cách rừng không xa (từ 1,5 km đến 2 km) hiện có hơn 90.000 người dân sinh sống tại 67 thôn, bản tiếp giáp. Mặc dù mỗi xã đã thành lập được một trạm kiểm lâm song hằng ngày vẫn khó kiểm soát được hết người dân ra vào rừng qua những đường mòn, lối mở để lén lút khai thác tài nguyên rừng. Anh Lê Trọng Ðạt, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: Nguyên nhân đến từ sức ép về phát triển kinh tế; sự gia tăng dân số, tập quán của một số người dân ở vùng đệm có thói quen lén lút khai thác trái phép gỗ rừng, săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã. Ðiều đó ít nhiều làm cho diện tích, chất lượng rừng, chất lượng đa dạng sinh học ở vùng đại ngàn Cúc Phương bị suy giảm; đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ tài nguyên và các loài động vật hoang dã.
Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương Tạ Ðức Biên khẳng định: "Hiểu rõ nguyên nhân các vụ vi phạm lâm luật, lực lượng kiểm lâm ở đây luôn gần gũi với đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia bảo vệ rừng; lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của người dân để hướng dẫn cách phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số ít người dân manh động, vì lợi nhuận vẫn lén lút phá rừng, chống trả lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, khiến việc vi phạm lâm luật có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ truy bắt lâm tặc, không ít cán bộ kiểm lâm đã bị thương...". Kiểm lâm viên Phạm Văn Khánh kể: "Bàn chân tôi nhìn thì lành lặn, nhưng đã một lần bị vỡ xương, còn vết sẹo dài trên đầu mà tôi cố ý che nó bằng mái tóc chính là vết thương sau một lần chiến đấu với lâm tặc để bảo vệ rừng".
Tìm hiểu chúng tôi biết thêm, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Bình, nhất là ở vùng Cúc Phương, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác còn phụ thuộc vào thời tiết, trình độ dân trí chưa cao, một bộ phận không nhỏ người dân còn tư tưởng thụ động trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước...
Thắng Trò chơi dân gian trong ngày hội xứ Mường Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Ông Ðinh Văn Khoan là người dân tộc Mường, hiện sống ở Bãi Dốc, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình), 97 tuổi, hướng đôi mắt mờ đục về phía rừng xanh xa xăm: "Hồi nhỏ, nhà tôi ở bản Mạc nằm tít sâu trong rừng. Lớn lên, tôi lấy vợ, sinh con dưới những tán rừng sum suê. Trong rừng khi đó có sáu bản mường (gồm các bản Bống, Mạc, Ðẵn, Ðang, Lá Mền và Ðồng Cơn). Mỗi bản có hơn chục nóc nhà bằng tre, nứa, nép bóng cây rừng cao lớn. Miếng ăn thì dựa vào săn bắn, hái lượm, trỉa bắp trên những vạt đồi, thung lũng, trồng lúa ở nơi đất thấp có nước. Cứ thế, người nương tựa vào rừng, biết bao thế hệ người Mường ở Cúc Phương được rừng che chở, cưu mang". Ðến những năm 80 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách di dân ra khỏi rừng Cúc Phương, gia đình ông Khoan chuyển đến sống ở Bãi Dốc, xã Cúc Phương (Nho Quan) vào năm 1989. Từ khi đến nơi ở mới, vào dịp Tết, lễ Vu lan, tiết Thanh minh năm nào người dân cũng trở về thăm nguồn cội để con cháu thành kính tri ân tổ tiên, để già làng sống lại ký ức xưa. Giờ đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng được cải thiện…
Thành viên của nhóm truyền thông của Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Thu Trang kể: "Tôi lớn lên bằng lời ru của mẹ giữa đại ngàn. Tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết định chọn học ngành du lịch và về công tác tại Vườn quốc gia Cúc Phương". Yêu rừng, giờ đây Nguyễn Thu Trang và nhiều kiểm lâm viên ở Vườn quốc gia Cúc Phương có thể kể cho khách du lịch nghe về sự đa dạng sinh học của vườn, với hàng nghìn loài thực vật, gần 700 loài động vật có xương sống, hơn 300 loài chim, hơn 100 loài thú, hơn 100 loài bò sát và lưỡng cư… Ðặc biệt là loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng quốc gia Cúc Phương. Thế giới côn trùng lại càng phong phú với gần 2.000 loài; trong đó có loài bọ que ngụy trang như cành cây, các loài bướm sặc sỡ sắc mầu. Rừng Cúc Phương còn có nhiều hang, động đẹp, bí ẩn, lưu giữ những dấu tích của người tiền sử như: động Sơn Cung, động Phò Mã Giáng, động Người Xưa... Vì thế, từ lâu nay, rừng Cúc Phương đã trở thành sự lựa chọn khám phá của nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế.
Nhận thức rõ về tiềm năng, nguồn lợi kinh tế mà du lịch, dịch vụ du lịch mang lại, đồng bào Mường ở Ninh Bình đã mạnh dạn khai thác các loại hình nghệ thuật bản địa được lưu giữ ở một số xã như: Biểu diễn cồng, chiêng ở xã Thạch Bình, Quảng Lạc; hát mo Mường, hát bọ mẹng, hát điệu Mường cổ, hát đúm, hát giao duyên, kết hợp biểu diễn cồng, chiêng ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long (Nho Quan) để phục vụ du lịch và các ngày lễ lớn hoặc các ngày trọng đại của thôn, bản Mường.
Khi tiếng hát, tiếng cồng, chiêng âm vang một vùng núi rừng rộng lớn, nhiều loại ẩm thực đặc trưng xứ Mường được chế biến hấp dẫn, cùng rượu men lá thơm lừng cuốn hút du khách ngất ngây thưởng thức. Những giá trị văn hóa phi vật thể đó đang được nhiều nghệ nhân người Mường bảo tồn dưới sự quan tâm của huyện, tỉnh. Chị Bùi Thị Ân, thành viên câu lạc bộ "Hát giao duyên tiếng Mường" ở xã Cúc Phương chia sẻ: Hát giao duyên tiếng Mường bây giờ có không gian "sống". Ðó là các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa, hay giao lưu với các tỉnh bạn. Ðiều đó, khiến người Mường Cúc Phương luôn tự hào về văn hóa dân tộc mình và thấy trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Một hình thức bảo tồn khác là các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ học hỏi, tiếp thu các loại hình văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân Bùi Văn Y, Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng, chiêng ở xã Quảng Lạc (Nho Quan) cho biết: "Ngày xưa, người Mường ở Nho Quan dùng cồng, chiêng chủ yếu vào việc đi săn. Bây giờ cồng, chiêng do các nghệ nhân sử dụng có lời "thương, nhớ", bay bổng, trầm ấm, ngay như tiễn đưa người quá cố cũng dùng đến cồng, chiêng. Các bài chiêng hay thay nhạc nền đi vào lễ hội là: "Em lên nương, ngày hội xứ Mường, vui hội bản em, gọi hồn chiêng...". Vì thế đồng bào dân tộc Mường trong xã từ già đến trẻ đều thích mua sắm cồng, chiêng, tự lo trang phục biểu diễn. Ðến nay, câu lạc bộ cồng chiêng của xã đã sưu tầm được 50 chiếc, với hơn 100 thành viên tham dự. Người cao tuổi nhất là bà Bùi Thị Dịu, 67 tuổi; ít tuổi nhất là chị Bùi Thị Yến, 20 tuổi". Anh Trần Văn Mạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa (Nho quan) cho biết thêm: Già làng, những nghệ nhân biết hát đúm, hát giao duyên, hát sắc bùa, hoặc biết đánh cồng, chiêng thường truyền dạy kinh nghiệm cho con cháu để tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đưa những làn điệu dân ca Mường vang khắp bản làng...
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Trước mắt là bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc. Ðẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa, tạo cơ chế chính sách phù hợp cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào công tác bảo tồn; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở; phát huy những giá trị văn hóa để phát triển du lịch ở vùng đại ngàn Cúc Phương, góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình sớm trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.