Những năm qua, khá nhiều sản phẩm du lịch được các đơn vị doanh nghiệp đưa vào hoạt động để lại ấn tượng tốt đẹp cho người đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid -19 hoành hành, nhiều loại hình du lịch cũng có nhiều đổi thay.
Xu hướng du lịch
Phòng ốc sang trọng, tiện nghi đầy đủ, giá cả phải chăng không còn là những ưu ái hàng đầu. Dường như, đối tượng đi du lịch giờ chọn không gian đến có không gian mở, hòa nhập với thiên nhiên, đặc biệt là “an toàn, thân thiện”. Đây chính là sologan, ngành du lịch Ninh Bình chăng cheo phát động từ khi được phép khởi động lại Năm Du lịch quốc gia, sau một năm lỡ hẹn với hàng triệu du khách xa gần từng “book vé” khát khao đến du ngoạn mảnh đất ngàn năm văn hiến – cố đô Hoa Lư.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng cũng hướng đến đối tượng khách nội địa, khách nội tỉnh. Nhiều chương trình, sản phẩm du lịch được kích hoạt, với những lời “mời gọi” đầy hấp dẫn.
Trong đó, Vườn quốc gia Cúc Phương có sáng kiến đặc biệt với sản phẩm du lịch đưa thú “về nhà” đã thu hút khá đông du khách đăng ký từ ngày 20/3. Kể từ khi triển khai, sau hơn 3 tháng, nhiều người yêu thiên nhiên truyền tai nhau về ý nghĩa của một tour du lịch trải nghiệm đặc biệt ở Vườn quốc gia Cúc Phương.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ở một Vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với “ngôi nhà tự nhiên.”. Tham gia tour du lịch “Về nhà” này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng mà còn trở thành những “sứ giả” giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Anh Phạm Quốc Vinh, phụ trách Truyền thông (Vườn Quốc gia Cúc Phương) cho biết: Thời gian qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái. Trong bối cảnh hiện nay, với những hệ lụy của biến đổi khí hậu và áp lực tăng trưởng “nóng” thì số ít những cánh rừng như Cúc Phương đang để cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về cách ứng xử lẽ thuận với thiên nhiên.
Hơn thế nữa, tình hình dịch Covid - 19 lan tràn, chưa biết bao giờ khống chế được. Nên ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch “Về nhà” gắn với việc lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, cho phép du khách, đặc biệt là khách du lịch nội địa (gần về địa lý) tham quan tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ. Với ý tưởng và mục đích của tour “Về nhà” là lan tỏa tình yêu thiên nhiên và sống có trách nhiệm với thiên nhiên hơn của con người. Khi chứng kiến khoảnh khắc động vật được “hồi sinh” chắc chắn mỗi du khách sẽ đón nhận năng lượng từ rừng già bằng cảm nhận riêng của mình đồng thời xác định sứ mệnh chuyển tải thông điệp của Vườn đến gia đình, người thân về trách nhiệm xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
“Qua thực tế quãng thời gian triển khai tour “Về nhà”, hệ lụy của đại dịch Covid-19 đã buộc chúng tôi phải tạm dừng tour để đảm bảo an toàn. Dù vậy, từ khi triển khai “Về nhà” đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức thành công được 6 đợt tái thả động vật hoang dã có sự tham gia của gần 140 du khách. Đã có 101 cá thể thuộc 17 loài được tái thả về môi trường tự nhiên”- Anh Phạm Quốc Vinh cho biết thêm.
Được biết, trong 10 năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương, đã cứu, hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài. Trong đó có rất nghiều loài nguy cấp quý hiếm, điển hình là 20 loài linh trưởng, 34 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,...Riêng từ năm 2010-2020, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã. Tiến hành cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã. Tổ chức tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể...
Những người yêu thiên nhiên, đến Cúc Phương lần đầu đều ngạc nhiên, rằng Cúc Phương rộng lớn và bí ẩn như “Mê cung kì thú.”. Vì họ sẽ phải thán phục trước một cánh rừng nguyên sinh có lịch sử hàng triệu năm, chắc chắn Cúc Phương còn mang trong lòng một hệ giá trị tiềm ẩn và kì thú.
Với diện tích không phải là lớn (khoảng 22 nghìn ha), nhưng rừng nguyên sinh Cúc Phương là một “hệ sinh thái văn hóa,” có bề dày lịch sử, bản sắc và vô cùng giá trị. Hệ sinh thái này có tương tác một cách hữu cơ với sự vận động của hệ sinh thái rừng, các tri thức dân gian, các tín ngưỡng dân gian, các nghề thủ công truyền thống, lễ tiết vòng đời. Đó cũng là sự bí ẩn và kì thú…
Du khách - “Sứ giả yêu thiên nhiên”
Để góp phần cho sự bình an của cánh rừng rộng lớn cổ quý cũng như giành lại sự sống cho các loài động vật, thực vật hoang dã nơi đây, Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang đầu tư rất nhiều giải pháp cho công tác quản lý. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Cúc Phương - đơn vị chính thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới. Từ việc bố trí, sắp xếp nhân sự đến việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật và kỹ năng nghề. Đặc biệt, Vườn quốc gia Cúc Phương hướng tới việc “mỗi người dân trở thành một kiểm lâm viên” cùng chung tay bảo vệ cánh rừng này.
Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương khẳng định: Gốc rễ để có được “Cúc Phương đại ngàn” là công tác bảo vệ rừng. Đó là chức năng quan trọng hàng đầu của chúng tôi. Bên cạnh công tác giáo dục môi trường thông qua hoạt động khai thác du lịch sinh thái là một kênh nâng cao nhận thức, truyền đi thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch, các tour, chương trình tham quan đều mang thông điệp này một cách nhất quán, với phương châm: “Mỗi khách du lịch về với Cúc Phương là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!”.
Qua 6 tour “Về nhà”, những lần chứng kiến du khách tham gia tái thả động vật, tôi rất cảm động vì cộng đồng xã hội ngày càng trân quý thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các bạn trẻ. Đây là sự động viên lớn nhất cho những người làm công tác bảo tồn. Qua đây càng khẳng định, “vào rừng để về nhà”- đúng tâm niệm những người trong ngành !
Mới đây, ngày 16/6/2021, anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (trụ sở đặt tại Vườn quốc gia Cúc Phương), đã được trao giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường, còn được mệnh danh là “Nobel Xanh.” Đó càng khẳng định sự cống hiến của anh Thái sau 16 năm gắn bó với công tác bảo tồn tê tê tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây là một giải thưởng lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng nhằm tạo ra một Trái Đất với sự cân bằng sinh thái.
Từ câu chuyện thành công của anh Thái và nhiều cá nhân khác, có thể khẳng định Cúc Phương là “cái nôi” nuôi dưỡng, đào tạo và chắp cánh cho nhiều cá nhân trưởng thành và gặt hái thành công trong sự nghiệp gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập ngay từ thời điểm đất nước còn đang trong thời kỳ khó khăn. Qua gần 60 năm, Cúc Phương tiếp tục là “cái nôi” đào tạo cán bộ ngành, địa điểm giáo dục môi trường để lại ấn tượng đặc biệt trong mắt các nhà bảo tồn và bạn bè quốc tế. Nơi đây, tiếp tục là điển hình của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi, với khu hệ động, thực vật phong phú, không chỉ tầm cỡ ở Việt Nam mà trên thế giới. Vùng đất chứa đựng hệ giá trị về lịch sử, văn hóa tộc người bản địa với sự tương hỗ của không gian văn hóa, lịch sử trong khu vực ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình hấp dẫn các nhà khoa học và khách du lịch.