Quần thể di tích lịch sử Đền Thượng - chùa Phúc Long nằm ở phía Đông Nam thôn Quán Trung, làng Yên Vệ nay thuộc thôn Phú An - xã Khánh Phú. Toàn bộ khu di tích nằm trên khu đất cao ráo, rộng khoảng 3 mẫu Bắc Bộ,
Di tích Đền Thượng xã Khánh Phú là nơi thờ cúng, tưởng niệm đại danh nhân ngài Giác Hải thiền sư đời Lý. Người có công với triều Lý Nhân Tông và vùng đất Yên Vệ.
(Hình ảnh chùa Phúc Long – xã Khánh Phú – huyện Yên Khánh)
Quần thể di tích Đền Thượng và Chùa Phúc Long được xây dựng từ triều Lý. Trên thượng lương của chùa ghi việc tu sửa chùa vào năm 1829. Ngoài việc thờ Phật chùa còn thờ thân mẫu của Giác Hải thiền sư. Trong khuôn viên di tích còn có phủ thờ Liễu Hạnh công chúa, Nhà tổ, Lăng mộ, tháp. Thân mẫu của Giác Hải sinh ra ở Yên Vệ (nay là xã Khánh Phú). Cuối đời bà tu ở chùa Phúc Long. Theo truyền lại, sau khi ông hóa, nhân dân đã lập đền thời ông bên cạnh chùa Phúc Long ở Yên Vệ, nay là Khánh Phú. Sau thời vua Lý Nhân Tông (1060-1127), Cách đây khoảng gần 1000 năm.
(Hình ảnh khuôn viên Đền Thượng – xã Khánh Phú – huyện Yên Khánh)
Ngôi Đền Thượng thờ ngài Giác Hải thiền sư là chính, ngoài ra ở Trung Đường còn thờ ngài Từ Đạo Hạnh và ngài Dương Không Lộ, là 2 nhà sư cùng thời và là bạn thân tâm phúc của Giác Hải. Ba ông đã từng cùng nhau lặn lội, không quản khó khăn gian khổ tìm đường sang Trung Quốc để học giáo lý. Ngoài công việc học hành 3 ông còn thường rủ nhau đi thăm thú phong cảnh, đàm đạo việc đời, làm thơ vịnh cảnh,
Những năm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 ngày mùng 4 tháng giêng hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức tế lễ và mở hội ở Đền Thượng rất lớn. Tổ chức rước nước từ giữa sông Đáy sau đó là tục dâng bánh giầy, tổ chức thi bánh ngon, bánh đẹp. Tổ chức các trò chơi dân gian, đặc biệt là hội thi vật giữa các đô vật trong vùng. Hội thi vật được tổ chức ở trước sân đền để tưởng nhớ công ơn của ngài Giác Hải, người có công truyền dạy và khơi dậy tinh thần thượng võ của nhân dân. Ngày nay, vào ngày mùng 4 tháng giêng hàng năm địa phương vẫn tổ chức tế, dâng bánh giầy và tổ chức Hội vật chầu thánh.
(Quần thể Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia Đền Thượng và Chùa Phúc Long)
Quần thể Di tích Đền Thượng và Chùa Phúc Long mang đậm nét kiến trúc, nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Tuy nhiên đã tiến hành nhiều đợt tu sửa, tôn tạo nhưng từ dáng dấp di tích ,trang trí mĩ thuật vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn.
Di tích gắn liền với tên tuổi của thân mẫu Giác Hải thiền sư người có công với triều Lý, đời vua Lý Nhân Tông. Di tích Đền Thượng và Chùa Phúc Long chứng minh mảnh đất ngàn năm văn vật của tỉnh Ninh Bình, của huyện Yên Khánh, xã Khánh Phú với những di tích, danh nhân được sử ghi chép cũng như được dân gian lưu truyền.
Toàn bộ khu di tích có quy mô tương đối lớn, cộng với cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, trù phú, đây sẽ là khu tham quan du lịch hấp dẫn và thú vị qua đó đem đến cho du khách hiểu thêm về giai đoạn lịch sử, đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận là Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia Ngày 12 tháng 12 năm 1994.