Điểm đến du lịch

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH – ĐỀN TRUNG, THÔN THẠCH LỖI

Cập nhật: 28/05/2024
Đền Trung là ngôi đền sở hữu vẻ đẹp kiến trúc vừa cổ kính uy nghi vừa gần gũi với tâm linh người dân địa phương. Ngôi đền được xây dựng nhằm tưởng nhớ tới công lao và sự nghiệp lẫy lừng của cụ Thượng thượng Tổ: Tạ Đại Lang (một tiến sĩ thời Trần) và nhiều nhân vật lịch sử khác. Với những giá trị đặc biệt, Đền Trung làng Thạch Lỗi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

Gọi là đền Trung Thạch Lỗi, vì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Thạch Lỗi có 3 đền là: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Đây là ngôi đền nằm giữa làng Thạch Lỗi nên gọi là đền Trung. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn gọi là đền họ Tạ vì đền Trung Thạch Lỗi thờ ông tổ họ Tạ và nhiều nhân vật quan trọng của dòng họ Tạ như: Tạ Nhân Thọ, Thắng quân Công Tạ Nhân Niên, Tạ Thanh, Tạ Nhân Tuy, tiêu biểu là Tạ Đại Lang, tiến sỹ thời Trần.  

Đền Trung Thạch Lỗi quay hướng tây, trên mặt đất rộng 2 sào. Trước cửa đền xưa có ao đền. Về sau do dân làm nhà, ao bị lấp dần. Đền có kiến trúc kiểu chữ nhị, 2 toà. Tiền đường 5 gian, vì kèo kiểu giá chiêng hoành luồng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, toà Tiền đường bị hư hỏng. Hoà bình lập lại, nhân dân địa phương mới xây lại như hiện nay, năm 1997 tiền đường lại được tu sửa, đảo ngói. Đây là nơi hội họp, bàn việc tế lễ của dân làng và dòng họ Tạ. Hậu cung 3 gian, xây cuốn. Gian giữa hậu cung thờ ông tổ họ Tạ. Hai gian bên thờ Tạ Đại Lang, Tạ Nhân Thọ, Tạ Nhân Niên, các quận công, công chúa…

Di tích lịch sử đền Trung Thạch Lỗi còn giữ được một số hiện vật quý như: 01 gia phả dòng họ Tạ; 04 sắc phong cho Tạ Nhân Thọ và Tạ Nhân Niên vào niên đại Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), Đức Long thứ 4 (1632), Thành Thái thứ 16 (1904); các ngai thờ, bài vị của tiến sĩ Tạ Đại Lang, quận công Tạ Nhân Thọ, Tạ Nhân Niên.

Hàng năm, đền Trung Thạch Lỗi có nhiều ngày lễ, ngày kỵ các vụ thần như: Ngày 2/1 (âm lịch) ngày kỵ tiến sĩ Tạ Đại Lang, dân làng rước kiệu từ đền Trung đến đền Hạ, đền Thượng rồi lại rước về đền Trung để lễ; ngày 15 tháng giêng, dân làng rước từ đền Trung về chùa tế, rồi lại rước về đền Trung tế trong 2 ngày 15 và 16 tháng giêng; ngày 18/10 ngày kỵ quận công Tạ Nhân Thọ; ngày 17/12 kỵ thái úy quốc công Tạ Nhân Niên. Ngoài ra ngày rằm, mồng một đều có hương đăng.

Có thể thấy rằng, Đền Trung không chỉ là một công trình với giá trị lịch sử lâu đời mà còn thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của người dân địa phương. Ngôi đền này cùng với nhà thờ Vũ Duy Thanh, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, nhà thờ Ninh Tốn xã Yên Mỹ, nhà thờ Vũ Phạm Khải xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, nhà thờ họ Đào, xã Ninh An, huyện Hoa Lư đã tạo nên một hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Ninh Bình, góp phần nghiên cứu và đón khách tham quan về văn hóa dòng họ ở Việt Nam.

Nguồn: UBND xã Khánh Dương
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp