Điểm đến du lịch

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP TỈNH ĐỀN ĐỨC ĐỆ NHỊ - XÃ KHÁNH AN

Cập nhật: 26/03/2024
Đền Đức Đệ Nhị toạ lạc trên địa phận Thôn Bùi, xây dựng trên khuôn viên có diện tích 625m2, nằm trong khung cảnh thanh bình, giữa một không gian văn hóa đậm nét làng quê. Phía Bắc liền kề với nhà văn hóa thôn Bùi, phía Nam là đường liên thôn, phía Đông là khu dân cư, phía Tây là đường trục xã, đền quay theo hướng Đông Nam. Đền Đức Đệ Nhị được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2013.

Về sự kiện, nhân vật liên quan đến di tích:

Đền Đức Đệ Nhị thờ Lịch Lộ Đại Vương (hay còn được gọi là Lịch Công), một vị tướng thời nhà Đinh có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta.

Căn cứ theo Lý lịch di tích tại đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (thờ Lịch Lộ Đại Vương), xếp hạng cấp quốc gia năm 2001 và các tài liệu khác về Lịch Lộ Đại Vương còn lưu giữ ở đền Đức Đệ Nhị thì Lịch Lộ Đại vương là con của ông Cao Điện và vợ là bà Vân Thị ở trang Yên Bạc vùng Yên Ninh. Tổ tiên của ông Cao Điện vốn ở trang Đồng Thi, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa hưng, đạo Sơn Nam dời đến Yên Bạc đã được hai đời. Ông kế tục nghề là phủ thủy của cha ông, song vẫn lấy đạo làm gốc, chăm chỉ việc làm phúc giúp người. Vợ chồng họ Cao duyên ưu phận đẹp, thường giúp đỡ kẻ nghèo khó, không tiếc công sót của, hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu mà không sinh được con. Một đêm, bầu trời trong xanh gió mát, hai vợ chồng đang nằm trong phòng, bỗng cả hai đều mơ màng, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ từ trên trời xuống, tay cầm một lưỡi tầm sét. Cụ già bảo bà Điện há miệng và bỏ lưỡi tầm sét vào. Bà Điện đón lấy và nuốt vào trong bụng, sau đó cụ nói: “Ta cho thứ đó là điềm lành sinh con trai để ngày sau nổi danh thiên hạ”. Nói xong ông cụ cưỡi mây biến mất.

Từ đó bà Điện có mang liền 11 tháng, đến ngày 15 tháng chạp năm Bính Thân thì sinh một người con trai, tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Lúc sinh hạ khí lành bay khắp nơi, trên trời bỗng nổi tiếng sấm rền. Được 3 tuổi, cậu con trai mình mẩy tựa sắt, tiếng nói vang như sấm, người cha thấy thế đặt tên là Lịch.

Một thời gian sau bà Điện lại nằm mộng thấy một người áo mũ chỉnh tề, tự xưng là quan Hành Khiển trên trời xin đầu thai làm con. Từ đó bà Điện có mang, đến ngày 15 tháng 8 sinh được một người con trai, mày thanh mắt sáng, tai to mặt vuông. Ông Điện rất vui bèn đặt tên con là Khiển.

Từ nhỏ hai anh em đã tỏ ra là người thông minh, tài trí hơn người, cha mẹ tìm thầy cho học, ngày ngày văn võ ôn luyện, chẳng bao lâu võ nghệ tinh tường, văn chương thấu đáo.

Năm ông Lịch 22 tuổi, cha mẹ đều tạ thế, anh em làm lễ chôn cất, đèn hương, lễ bái trọn 3 năm. Hai anh em nung nấu ý chí, chăm lo việc binh đao. Lúc đó đất nước đang có nạn cát cứ 12 sứ quân. Nghe tin Đinh Bộ Lĩnh là người kỳ tài văn võ, có khí chất của bậc đế vương, đang khởi binh ở động Hoa Lư, nhiều anh hùng ở khắp nơi về giúp sức, hai anh em bèn đến nơi yết kiến. Bộ Lĩnh thấy hai ông tướng mạo khác thường, uy phong lẫm liệt, bèn hỏi quê quán và thử tài năng. Thấy hai ông văn võ toàn tài, bèn giữ lại trong quân, giao chức Tiền bộ tướng quân cho ông Lịch, chức Tán chỉ huy sứ cho ông Khiển. Sau đó Đinh Bộ Lĩnh phái hai ông đi khắp nơi chiêu mộ binh sĩ.

Hai ông bèn về quê lập đồn, chiêu binh, tuyển trai tráng khỏe mạnh, phát hịch kêu gọi hào kiệt, dân chúng trong vùng tham gia và giúp đỡ nghĩa quân dẹp loạn cát cứ. Những người ủng hộ kéo đến tới tấp, chỉ trong vòng 10 ngày, trong tay hai ông đã có tới 3 vạn quân. Hai ông mổ trâu, bò khao quân, sắp đặt đội ngũ chỉnh tề, chỉnh đốn vũ khí, chuẩn bị lương thực, kéo quân về Hoa Lư để hợp quân với Đinh Bộ Lĩnh.

Sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh dần dần lớn mạnh, thanh thế càng lên. Một lần tấn công sứ quân của Đỗ Cảnh Thạc ở động Đỗ Giang, chủ quân Đinh Bộ Lĩnh bị bao vây, lúc đó cánh quân của ông Lịch và ông Khiển đang ở Phong Châu, nghe tin cấp báo, hai ông đã đem quân về ứng cứu. Cánh quân có 5 nghìn tinh binh, khí giới tinh nhuệ, tiếng chiêng trống vang dội, tinh kỳ bay phấp phới. Đến động Đỗ Giang, hai ông sông thẳng vào trận, đánh cho đội quân Đỗ Cảnh Thạc tan tác, cứu cha con họ Đinh thoát nạn.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, định đô ở Hoa Lư, ban thưởng cho các công thần, chấn chỉnh nhà nước, dựng nền độc lập tự chủ. Hai anh em ông Lịch và ông Khiển xin nhà vua cho về quê hương, xin được miễn thuế, lao dịch ở trang Yên Bạc, được Đinh Tiên Hoàng chấp nhận.

Về quê, hai ông chấn chỉnh lại làng xóm, cùng dân chúng trong trang lo chuyện làm ăn, xây dựng quê hương. Một hôm trời nổi cơn giông, đất trời mù mịt, sấm sét dữ dội vào chỗ ông Lịch ngồi, có một đám mây hồng bay là là tới chỗ ông, lát sau trời quang mây tạnh, Lịch Công không thấy đâu cả, chỗ ông ngồi chỉ còn áo mũ bỏ lại. Hôm đó là ngày 15 tháng 10. Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho ông là Lịch Lộ Đại vương và lệnh cho Khiển Công cùng nhân dân Yên Bạc lập đền thờ ông. Sau khi ngài mất, hiển rõ sự linh ứng. Mỗi khi các tướng sỹ cất quân đi dẹp loạn đều làm lễ tế tại đền, những năm hạn hán, mất mùa, làm lễ cầu đảo đều được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trải qua các đời vua đều được sắc phong mỹ tự Tĩnh hậu trung đẳng tôn thần.

Kiến trúc của di tích:

Đền Đức Đệ Nhị kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm 3 toà Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Đền có 2 cổng, cổng chính phía Tây Nam được xây dựng theo kiểu tam quan, trên có gác chuông (2 tầng 8 mái), phía trên treo chuông đồng nặng 530kg.

Sân đền rộng, mặt sân lát gạch đỏ, giữa sân có một giếng nước hình bát giác, phía Đông Bắc là nhà bia.

Tiền đường gồm 5 gian (rộng 3,3m, dài 12,5m), tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy, bờ mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, nóc trang trí mặt nguyệt, bờ đốc trang trí đầu rồng. Ra vào tiền đường bằng hệ thống cửa gỗ, làm theo kiểu bức bàn, gồm 3 cửa.

Trung đường (rộng 2,1m, dài 5,9m), gian giữa trung đường đặt ban thờ các quan, trên nhang án có khám thờ long ngai, bài vị, mũ áo…, hai bên đặt ban thờ Hổ (địa phương còn gọi là Đông tán, Tây tán), hai bên hông tường là 2 ban thờ các quan.

Hậu cung có kiến trúc theo kiểu tiền đao hậu đao, gồm 2 gian chạy dọc với 4 hàng cột gỗ. Phần mái lợp ngói vẩy, bờ nắp đắp trụ đấu. Phía trước chính tẩm đặt ban thờ hội đồng các quan , phía trên treo bức đại tự và một câu đối cổ. Chính giữa hậu cung là ban thờ Lịch Lộ Đại vương, trên đặt khám thờ, ngai thờ, bài vị của Ngài.

 Không gian thờ cúng được kiến tạo hài hoà giữa hệ thống tường bao và khung nhà gỗ.

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hoá của nhân dân trong làng (tính theo âm lịch) như: Ngày mùng 1, 15 âm lịch hàng tháng lễ sóc, vong; Ngày 7 tháng Giêng tế khai  hạ; Ngày 10 tháng 2 tế Kỳ phúc; Ngày 10 tháng 8 tế Kỳ hoà (cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa vụ bội thu, dân làng yên ổn, hoà thuận vui tươi…); Ngày 25 tháng chạp lễ Mộc Dục (vào ngày này các cụ trong thôn tổ chức làm lễ tưởng nhớ công đức của Lịch Lộ Đại vương). Ngoài ra tại Đền Đức Đệ Nhị còn có các ngày lễ khác như: Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng), Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Thượng Điền (rằm tháng 7), Tết cơm mới (rằm tháng 9), Tất niên, Lễ Trừ tịch…

Đền Đức Đệ Nhị ngoài giá trị là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, di tích còn có giá trị tinh thần rất lớn, thể hiện sự tri ân, tấm lòng thành kính của nhân dân đối với vị thần của họ. Đồng thời ngôi đền còn có giá trị phát triển du lịch, thu hút khách thập phương về tham quan, chiêm bái./.

Tài liệu tham khảo:

- Lý lịch di tích đền Đức Đệ Nhị, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình  của Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình.

- Lý lịch di tích đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình  của Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: Huyện Đoàn Yên Khánh
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp