Ninh Bình có thêm 03 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia là Nghề thủ công truyền thống “Nghề thêu - ren Ninh Hải” xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; “Mo Mường ở Ninh Bình” huyện Nho Quan và Nghề cói Kim Sơn, huyện Kim Sơn.
Tính đến tháng 5/2024, Ninh Bình có 07 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận: Lễ hội Trường Yên (năm 2014); Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (năm 2019); nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm (năm 2022); Lễ hội làng Bình Hải (năm 2022); Mo Mường ở Ninh Bình (năm 2024); Nghề thêu – ren Ninh Hải (năm 2024) và Nghề cói Kim Sơn (năm 2024).
Mo Mường ở Ninh Bình
Di sản văn hoá phi vật thể “Mo mường ở Ninh Bình” huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần, phản ánh tâm hồn, tính cách, triết lý nhân sinh của đồng bào người Mường nơi đây.
Không gian thực hành di sản văn hoá Mo Mường ở Ninh Bình tập trung tại huyện Nho Quan nơi có đông đảo đồng bào Mường sinh sống (bao gồm các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Xích Thổ, Thạch Bình, Yên Quang, Văn Phương, Quảng Lạc) và thành phố Tam Điệp (01 xã: Yên Sơn). Người Mường tại đây đã có lịch sử cư trú lâu đời, còn bảo lưu được những nét văn hoá Mường truyền thống, ít có sự đan xen, giao thoa với văn hoá các dân tộc khác.
Mo Mường là các nghi lễ dân gian có tính thiêng, được đặc biệt sử dụng trong tang lễ và một số nghi lễ cầu khoẻ mạnh của người Mường; mục đích nhằm giải quyết các thủ tục, các công việc trong tang lễ trước khi đưa người chết đi chôn cất và trấn an tinh thần, cầu khoẻ mạnh cho người sống. thuộc dòng nổ nhưng thầy Mo thuộc dòng nổ sẽ được cộng đồng coi trọng hơn về tính chính danh.
Do lịch sử dân tộc Mường không có chữ viết nên toàn bộ nền văn hoá được lưu truyền qua phong tục tập quán và truyền khẩu, trong đó di sản văn hoá Mo Mường cũng được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Qua khảo cứu tài liệu cho thấy đến hiện nay chưa có một nguồn tài liệu, tư liệu trong và ngoài nước công bố về thời điểm ra đời của Mo Mường trong lịch sử dân tộc Mường. Người Mường ở Ninh Bình thường nói từ khi có người Mường là đã có mo.
Hiện nay có khoảng 15 người am hiểu, có thể tham gia thực hành diễn xướng nghi lễ và truyền dạy mo Mường ở Ninh Bình (thầy Mo, thầy Trượng, thầy Mo học việc thuộc dòng nổ mo).
Nghề Thêu ren Ninh Hải
Ninh Hải là một xã thuộc huyện Hoa Lư, từ sớm đã có nghề thêu ren nổi tiếng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề thêu ren của làng đã xuất hiện từ rất sớm, cụ thể là từ thời nhà Trần. Vốn trước kia, khi vua tôi nhà Trần rút lui chiến lược từ Thăng Long về Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần hai, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren cung đình.
Làng Văn Lâm xã Ninh Hải là làng nghề thêu ren có lịch sử lâu đời và nổi danh cả nước, là nơi duy nhất nắm được kỹ nghệ rút sợi và đan trên sợi. Từ thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIX, nghề thêu phát triển gắn liền với nghề trồng bông dệt vải. Từ nguồn nguyên liệu vải và chỉ có sẵn, người thợ thêu sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu của triều đình phong kiến và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Đến đầu thế kỷ XX, người dân học thêm được kỹ thuật ren - rua của người Pháp cộng thêm sự sáng tạo của người thợ tạo nên những sản phẩm độc đáo. Các sản phẩm thêu ren của người thợ Văn Lâm nhanh chóng được thị trường đón nhận, xuất khẩu sang Pháp, được trưng bày tại các hội chợ, triễn lãm do Pháp mở tại Hà Nội, Sài Gòn, Paris.
Hiện nay trên đại bàn xã Ninh Hải có 200 hộ gia đình làm nghề, trên 50 người có thể thực hành và truyền nghề Thêu ren và hơn 400 thợ thêu ren. Ngoài các mẫu truyền thống như thêu trêu áo, khăn, chăn,.. thì hiện nay còn có các sản phẩm thêu cũng đa dạng và phong phú như: thêu chân dung, túi xách, tranh phong cảnh…nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường mới.
Nghề Thêu ren Ninh Hải không chỉ là sự gìn giữ nghề thủ công truyền thống có từ bao đời mà còn giúp người dân nơi đây có việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Nghề thủ công truyền thống Nghề cói Kim Sơn
Nghề cói Kim Sơn là nghề thủ công truyền thống được hình thành từ hàng trăm năm trước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề cói ngày càng thể hiện được vị thế của mình và phát triển cho tới ngày nay.
Các sản phẩm cói Kim Sơn đa dạng về mẫu mã, màu sắc, hoa văn bắt mắt với nhiều loại như thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, dép, túi xách... Trong đó có nhiều sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh như gương cói, túi cói, bình hoa.
Hiện nay, nghề cói Kim Sơn giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động nông nhàn, đóng góp khoảng 70-80% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm của huyện. Sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Với sự công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, “Nghề Thêu – Ren Ninh Hải”; “Mo Mường ở Ninh Bình” và Nghề cói Kim Sơn chắc chắn sẽ góp phần gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của địa phương qua đó thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Ninh Bình ngày một đông hơn./.