Tin du lịch Ninh Bình

Nước Đại Cồ Việt dưới thời Vua Đinh Tiên Hoàng

Cập nhật: 03/05/2024
Năm 968, sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu “Thái Bình” đóng đô ở Hoa Lư, “định trăm quan, đặt sáu quân, chế độ gần đầy đủ” (Đại Việt Sử ký toàn thư).

Để củng cố nền độc lập thống nhất, vua Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Năm 971, vua phong chức tước cho các quan văn võ: Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công, Đinh Điền là Ngoại Giáp, Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân, Lưu Cơ là Đô hộ phủ sĩ cư, Ngô Chân Lưu là Khuông Việt Đại Sư... các con vua Đinh cũng được phong chức như: Đinh Liễn được phong Nam Việt Vương, Đinh Toàn được phong Vệ Vương.

Để bảo vệ Nhà nước, vua Đinh đã xây dựng lực lượng quân đội mạnh với 10 Đạo quân, Lê Hoàn được phong chức Thập đạo tướng quân. Mỗi Đạo gồm 10 Quân, mỗi Quân gồm mười Lữ, mỗi Lữ gồm mười Tốt, mỗi Tốt mười Ngũ, mỗi Ngũ mười người. Như vậy, quân đội thời Đinh có đến 1 triệu người. Quân sĩ được trang bị vũ khí, quần áo, đội mũ “tứ phương bình đính”. Lực lượng quân đội mạnh đã đảm bảo cho đất nước được ổn định trong suốt thời gian vua Đinh trị vì.

 Về Nông nghiệp:  Nhà vua quan tâm khẩn hoang lập làng, mở rộng diện tích cày cấy ở vùng đồng bằng ven biển. Lữ Đường - một sứ quân hàng phục Đinh Bộ Lĩnh đã khẩn hoang ở vùng hữu ngạn sông Hồng.

  Về Kinh tế: Kinh tế hàng hóa đã hình thành trong nước và có sự giao thương với nước ngoài, Nhà nước có các xưởng thợ chuyên đúc tiền. Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền “Thái Bình hưng bảo” là đồng tiền đầu tiên của nước ta.

 Về Văn hóa - Nghệ thuật:  Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng nghệ thuật ca hát, diễn xướng để phục vụ quân đội, khích lệ tinh thần cho binh sĩ. Bà Phạm Thị Trân - người Hồng Châu (Hưng Yên) dạy hát cho quân lính được phong chức Ưu Bà, về sau bà được mệnh danh là Tổ nghề hát Chèo, kinh đô Hoa Lư là trung tâm của nghệ thuật hát Chèo cung đình và Ninh Bình rất tự hào là một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo nước ta từ thế kỷ X. Một số môn xiếc điêu luyện đã được biểu diễn trên lầu Phi Vân. Sử cũ chép lại: “Nghệ sĩ Thượng Kỵ đầu đội khăn đen, mặc quần áo đen, chạy nhanh qua lại 4 lần trên dây không ngã. Nghệ sĩ Thượng Đạt biểu diễn môn nhảy trên tấm gỗ đặt trên ngọn cây sào 17 thước. Nghệ sĩ Thượng Lân phi người như bay, buông thõng mình nhặt vật dưới đất”.

Như vậy, dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội nước ta đã đi vào ổn định và phát triển. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng đã được khẳng định ông là vị anh hùng dân tộc có công thống nhất đất nước, xây dựng một Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

Nguồn: Nhật Quỳnh; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp