Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây chế tác các công trình đá nổi tiếng khắp cả nước, các sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân không chỉ có giá trị vật thể mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần giàu bản sắc truyền thống của người dân làm nghề chạm khắc đá mỹ nghệ.
Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã có từ lâu đời, theo các truyền thuyết còn lưu giữ lại cho thấy, vị tổ nghề đá ở Ninh Vân tên húy là Hoàng Sùng, người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá giỏi thời trẻ di cư ra đây, làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy nghề này cho dân địa phương. Theo các hiện vật khảo cổ và hiện vật lưu tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ thế kỷ X, Hoa Lư đã được mệnh danh là “Kinh đô đá” với những núi non, tường thành và những công trình kiến trúc bằng đá nổi tiếng.
Từ những hòn đá thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người thợ chế tác đá Ninh Vân, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Ban đầu thợ chế tác đá làm các sản phẩm đơn giản phục vụ mùa màng như cối giã, cối xay, con lăn trục lúa… dần dần, các sản phẩm được đa dạng và phong phú hơn. Các sản phẩm được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh.
Dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân để lại trên những khối đá được chế tác tinh xảo, ở những công trình nổi tiếng như: cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, các hiện vật Long Sàng (sập rồng) bằng đá tại đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê ở cố đô Hoa Lư, đôi rồng đá ở hai bên tả, hữu tượng thần Thiên Tôn Trấn vũ (động Thiên Tôn), nhà thờ đá Phát Diệm… Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Quy trình chế tác đá truyền thống ở Ninh Vân bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Tuy nhiên, các công đoạn chế tác nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào từng loại sản phẩm đá, nguyên liệu… Nghề chế tác đá ở Ninh Vân truyền nghề theo lối cha truyền con nối, nhưng cũng có cơ chế mở đối với từng công đoạn. Những bí quyết nghề mà các nghệ nhân có được là do sự kiên nhẫn, tìm tòi, học hỏi, sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình lao động. Trải qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã tạo tác ra những công trình kiến trúc mang phong cách của từng thời kỳ lịch sử khác nhau.
Đến nay, xã Ninh Vân có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Ngày 20 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL, ghi danh Nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ninh Bình đang tích cực triển khai các hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, quảng bá, giới thiệu về nghề và làng nghề đến đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế góp phần vào sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. /.