Tin du lịch Ninh Bình

Thánh Nguyễn Minh Không - vị thiền sư được nhân dân phong Thánh

Cập nhật: 09/10/2023
Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành (1073 - 1141) người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Từ nhỏ, Nguyễn Chí Thành nổi tiếng thông minh, học giỏi, năm 11 tuổi xuất gia, thụ giáo đạo Phật với Từ Đạo Hạnh người làng Yên Lãng (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), là bậc cao tăng nổi tiếng thời bấy giờ. Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông… Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Là một nhân vật có thật, có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân nhưng đôi khi có những “hành trạng” kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn.

Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho Thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Do đó, ông bèn cưỡi nón tu lờ thay cho thuyền để xuôi về quê hương. Về nước, Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Bắc quốc, đúc thành bốn vật báu quý giá của nước ta (được gọi là Tứ đại khí): tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. Ông là người có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, chính trị xã hội…,là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác.

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn tại xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn

Dù ở cương vị Quốc sư của một nước nhưng Thiền sư Nguyễn Minh Không không màng chốn kinh thành hoa lệ mà trở về nơi cảnh thiền tĩnh tuệ vừa tu tập vừa truyền đạo đồng thời dốc lòng nghiên cứu trồng thuốc Nam để trị bệnh cho nhân dân. Khoảng năm 1121, Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự). Khi Nguyễn Minh Không mất, nhân dân Đàm Xá biến ngôi chùa đó thành đền thờ Ngài và gọi là đền thờ Đức Thánh Nguyễn. Đền Thánh Nguyễn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tháng 2 năm 1989.

Tại quê hương Ninh Bình có rất nhiều đền thờ Đức Thánh Nguyễn khác. Trong số đó phải kể đến đền thờ Thánh Nguyễn ở Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính là nơi ông đã phát hiện ra các động và biến chúng thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Tại chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn, nơi được mệnh danh là Nam thiện đệ tam động (tức động đẹp thứ 3 của trời Nam) cũng có đền thờ và tượng của ông. Khu di tích động Hoa Lư thì phối thờ tượng ông cùng với tượng vua Đinh Tiên Hoàng. Lý Quốc Sư còn được thờ ở đình Ngô Đồng, xã Gia Phú, Gia Viễn và đền thờ Tô Hiến Thành dưới chân núi Cắm Gươm ở bên sông Hoàng Long…

Ngoài ra, Đức Thánh Nguyễn còn được thờ tại một số chùa tại miền Bắc như: Chùa Quỳnh Lâm – Xã Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh; Chùa Cổ Lễ - Thị trấn Cổ Lễ, Nam Ninh, Nam Định; Chùa Keo – Xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình.

Hàng năm để tưởng nhớ công ơn của đức Thánh Nguyễn Minh Không, nhân dân tổ chức lễ hội đền Thánh Nguyễn vào cùng dịp với lễ hội Cố đô Hoa Lư từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch./.

Nguồn: Nguyễn Loan; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp