Chiến khu Quỳnh Lưu (Vùng ATK Quỳnh Lưu) là một căn cứ cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ kháng Nhật và Pháp tại Ninh Bình, đồng thời được coi là quê hương của phong trào cách mạng ở Ninh Bình với vai trò là nơi thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân tỉnh Ninh Bình, thành lập chi bộ tỉnh ủy lâm thời và cũng là nơi sinh ra những chiến sĩ cách mạng đầu tiên và tiêu biểu như bí thư Đinh Tất Miễn, Lương Văn Thăng, Hà Thị Quế và anh hùng Lương Văn Tụy. Nơi đây được công nhận là một khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Địa bàn
Chiến khu Quỳnh Lưu là một vùng đất rộng gồm 5 xã của Nho Quan là Sơn Lai, Sơn Thành, Phú Long, Phú Lộc, Quỳnh Lưu và 2 xã của huyện Gia Viễn là Gia Phong, Gia Sinh; đều thuộc tỉnh Ninh Bình. 5 xã của huyện Nho Quan trên đều được công nhận là xã An toàn khu. Ngoài ra một số xã gần đó như xã Quảng Lạc, Gia Lâm, Yên Quang thuộc huyện Nho Quan được công nhận là xã An toàn khu cũng được đề nghị bổ sung vào vùng ATK Quỳnh Lưu. Toàn bộ khu vực 7 xã ATK Quỳnh Lưu có diện tích 107 Km2 với 37 080 người (theo thống kê dân số năm 1999). Phía đông bắc có sông Hoàng Long bao quanh; phía đông nam và tây nam là những dãy núi liên tiếp. Từ xã này sang xã khác là các đồi cây rậm rạp và đường mòn xen kẽ. Đường 12B từ Nho Quan qua Quỳnh Lưu về Gềnh (Tam Điệp); đường 38B từ thành phố Ninh Bình qua Thiên Tôn, Trường Yên về ngã 3 Anh Trỗi; Đại lộ Tràng An đoạn Chùa Bái Đính - rừng Cúc Phương đi qua; đường quốc lộ 45 nối từ phố Rịa vào Thanh Hóa.
Lịch sử
Sau khi đánh chiếm Ninh Bình, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị theo kiểu thống trị trực tiếp. Công sứ Pháp kiểm soát các công việc của các quan lại trong tỉnh. Bên cạnh bộ máy cai trị hành chính, thực dân Pháp cho thiết lập các đồn bốt, trại lính ở tỉnh lỵ Ninh Bình, Phụng Công, chợ Ghềnh, Phát Diệm, Nho Quan. Các huyện đều có lính cơ, các xã có tuần đinh. Tỉnh lỵ Ninh Bình có nhà lao và bộ máy cảnh sát do một chánh cẩm người Pháp cầm đầu.
Cuối năm 1927, tại thôn Lũ Phong (Quỳnh Lưu, Nho Quan) chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập do Lương Văn Thăng làm bí thư. Từ khởi điểm phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu, tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển nhanh sang các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày 24/6/1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng thôn Lũ Phong (Quỳnh Lưu - Nho Quan) được thành lập do Lương Văn Thăng làm Bí thư. Đêm ngày 6 rạng ngày 7/11/1929, Lương Văn Tụy, con trai Lương Văn Thăng, mới 15 tuổi cùng với Nguyễn Văn Hoan thực hiện nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm mang dòng chữ "ủng hộ Xô - Nga, Xô - Nga vạn tuế" trên đỉnh núi Non Nước ở tỉnh lỵ Ninh Bình để kỷ niệm và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Năm 1938, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại thôn Đồi Dâu (Sơn Lai, Nho Quan) với sự tham dự của đại biểu cơ sở Đảng ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh và Yên Mô. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 uỷ viên. Ông Đinh Tất Miễn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Năm 1943, quân Nhật kéo vào Ninh Bình, đặt cơ quan đại diện bên cạnh toà công sứ Pháp. Nhật lập ra "Liên đoàn thóc gạo" và đặt nhiều mỏ cân ở thị xã Ninh Bình, Phát Diệm, Nho Quan để thu thóc gạo. Riêng thị xã Ninh Bình có 17 mỏ cân. Các hương lý, lính lệ, cai ký, địa chủ trong tỉnh được cấp thẻ "Tiếp tế cho nhà binh" để đến các chợ, các làng thu thóc gạo, nông sản của nông dân. Chiến khu Quỳnh Lưu thành lập ngày 3/2/1945 và là căn cứ cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ. Chiến khu Quỳnh Lưu là một căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Nhật, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Tây Bắc, Bắc Trung Bộ với đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi thành lập, cơ sở cách mạng này có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh ở Ninh Bình. Đến hết tháng 4/1945, khu giải phóng mở rộng ra các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh. Ngày 25/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Bình do đồng chí Văn Tiến Dũng làm chủ tịch ra mắt tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh.
Để bảo vệ căn cứ cách mạng này, Xứ ủy Bắc Kỳ và Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều đội tự vệ chiến đấu, tiêu biểu là Trung đội Giải phóng quân. Các lực lượng vũ trang ở đây đã làm cho đối phương "nhiều phen kinh hoàng", đỉnh cao là hai ngày 15/3/1945 và 2/4/1945, quan lại ở Phủ Nho Quan đưa lính về đàn áp phong trào chống thu thuế đều bị quần chúng bao vây đánh trả quyết liệt. Hiện nơi đây vẫn là một địa bàn quan trọng về quân sự với 2 đơn vị bộ đội đóng quân là Lữ đoàn 241 (Quỳnh Lưu) và Trung đoàn 202 (Phú Lộc).
Nhà Bảo tàng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu
Bảo tàng Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu nằm tại thôn Xuân Quế, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, được khởi công xây dựng vào tháng 3/2013, với diện tích 4.000 m2. Công trình gồm: Nhà trưng bày, nhà điều hành-quản lý, tam quan, hồ bán nguyệt và các công trình phụ trợ khác.
Hiện nay bảo tàng đang trưng bày hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh đã sưu tầm được trong nhiều năm gắn liền với những sự kiện, những chiến công và những tấm gương anh dũng của các thế hệ cha anh trong vùng căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, với các nội dung trưng bày chính gồm:Điều kiện và hoàn cảnh lịch sử vùng chiến khu trong giai đoạn 1925 – 1945; Tiếp thu Chủ nghĩa Mác –Lênin, thành lập chi bộ Đảng và lãnh đạo cao trào cách mạng, tạo tiền đề xây dựng Quỳnh Lưu thành khu căn cứ Đẩy mạnh các phong trào cách mạng, xây dựng lược lượng làm tiền đề thành lập khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu. Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu trong cao trào “kháng Nhật cứu nước” và tổng khởi nghĩa. Việc tri ân đối với những cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha anh của Đảng bộ và nhân dân Nho Quan nói chung và Quỳnh Lưu nói riêng.