Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây, lần đầu tiên trong lịch sử đã trở thành một trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự và văn hóa của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền của Việt Nam. Nơi phát tích sự nghiệp của 3 triều đại Đinh – Tiền Lê và khởi đầu triều Lý.

Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 980, Lê Đại Hành lên ngôi Hoàng đế kế tục sự nghiệp triều Đinh, ngài đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ, cột dát vàng bạc để làm nơi coi chầu.
Thành Hoa Lư gồm 2 khu vực: thành Nội và thành Ngoại. Gần đây, qua phát hiện khảo cổ học, có ý kiến cho rằng còn một khu thành khác là thành Nam (nay là Khu du lịch sinh thái Tràng An).
Thành Ngoại là trung tâm kinh đô . Nay chính là nơi xây dựng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha, thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành của xã Trường Yên ngày nay.
Thành Nội là nơi cung thất của hoàng tộc và kho tàng của quốc gia, thuộc địa phận thôn Chi Phong, xã Trường Yên ngày nay.
Thành Nội và thành Ngoại liền kề nhau qua dãy núi Phi Vân, có thể qua lại với nhau qua Quèn Vông.
Trong điều kiện lịch sử của thế kỷ X, đất nước mới giành được độc lập tự chủ sau đêm dài một ngàn năm Bắc thuộc, lại vừa trải qua mấy chục năm cát cứ liên miên, nước nhà vừa được thống nhất, chính quyền phong kiến Trung ương tập quyền còn non trẻ, nạn ngoại xâm vẫn luôn là hiểm họa thường trực của đất nước. Mầm mống cát cứ vẫn chưa được lại bỏ hoàn toàn. Vì vậy mà Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Hoa Lư hiểm trở để định đô, những ngọn núi đá vôi sừng sững là những bức tường thành thiên tạo vô cùng kiên cố. Kinh đô Hoa Lư là một quân thành “bất khả xâm phạm” để đối phó với thù trong giặc ngoài.
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Hoa Lư trở thành Cố đô, nhưng các triều đại kế tiếp vẫn hướng về Hoa Lư, vẫn cho tu bổ, xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa – lịch sử ở nơi này.
Hiện nay, cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích liên quan đến hai triều Đinh – Tiền Lê, nhưng trong các công trình này, tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành./.