Tin nổi bật

Có một Ninh Bình ở Bạc Liêu

Cập nhật: 27/04/2022
Năm 1960, sau Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Ninh Bình- Bạc Liêu, nhiều công trình mang tên Ninh Bình ở Bạc Liêu và những công trình mang tên Bạc Liêu ở Ninh Bình ra đời, được đầu tư xây dựng như một phần thông điệp để Đảng bộ và nhân dân hai địa phương luôn nhớ về nhau.

Công trình mang tên "Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình"

Một trong những công trình mang đậm dấu ấn về mối tình kết nghĩa keo sơn Ninh Bình- Bạc Liêu được xây dựng ngay tại trung tâm thành phố Bạc Liêu, đó là công trình mang tên "Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình". 

Biểu tượng được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường Hùng Vương- Quảng trường lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Đó là biểu tượng có hồ nước rộng 176m2 với 3 vòm cong trên hồ liên kết với nhau tượng trưng cho sự trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ của thiên nhiên Ninh Bình hòa quyện với những ruộng muối đặc trưng của Bạc Liêu. 

Bên cạnh đó là 3 khối đá với hàm ý về sức mạnh đoàn kết của hai địa phương "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Chất liệu của 3 khối đá được lấy từ đá chân châu của tỉnh Ninh Bình, gợi lên ý niệm về sự vĩnh cửu, trường tồn.       

"Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình" lung linh về đêm.
Ở Bạc Liêu còn có các trường học được mang tên địa danh Ninh Bình như: Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình; Trường Tiểu học Hoa Lư…

Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình.

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực hợp tác giữa lãnh đạo hai địa phương Ninh Bình- Bạc Liêu, nhiều công trình của tình kết nghĩa tiếp tục được xây dựng, nâng cấp trở thành biểu tượng sinh động cho tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai tỉnh. Tiêu biểu trong số đó là cây cầu mang tên Tràng An ở thành phố Bạc Liêu. Địa danh Tràng An nhắc người ta nhớ đến thắng cảnh nổi tiếng của đất Ninh Bình đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (năm 2014). 

Cầu bắc qua kênh 30/4 và được khánh thành vào dịp tổ chức Festival "Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014", chào mừng thành phố Bạc Liêu được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Bạc Liêu. Cầu có kết cấu khung dàn thép, treo dây văng. Tải trọng thiết kế 13 tấn, mặt cầu rộng 6 mét, dài 75,3 mét. Công trình được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại, có hệ thống chiếu sáng với màu sắc rực rỡ đã tạo nên điểm nhấn cho du lịch thành phố Bạc Liêu khi đến thăm quan. 

Cầu Tràng An

Ngoài ra, ở Bạc Liêu còn có một số cây cầu khác mang địa danh Ninh Bình như cầu Kim Sơn, cầu Gia Viễn, cầu Trường Yên… tại các huyện của tỉnh Bạc Liêu.

Cây cầu mang tên Kim Sơn ở Bạc Liêu.

Hiện nay, tại thành phố Bạc Liêu có một tuyến đường lớn mang tên đường Ninh Bình (đường rộng 24m, dài trên 1km). Đây là tuyến đường nối từ đường Nguyễn Thị Minh Khai với Cao Văn Lầu. Trên tuyến đường này có Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu- đây là điểm thăm quan, du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Gắn biển tên Trường Tiểu học Hoa Lư - công trình kết nghĩa giữa huyện Hoa Lư (Ninh Bình) và huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Các công trình mang tên các địa danh Ninh Bình được xây dựng ở vùng đất Bạc Liêu- "xứ cơ cầu" khiến nhiều người cảm thấy dù ở hai miền đất nước nhưng Ninh Bình - Bạc Liêu vẫn thật gần. Và ở đó, những câu chuyện về mối tình kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu hơn 60 năm qua sẽ tiếp tục được các thế hệ nối tiếp dựng xây, bồi đắp để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp