Chiều ngày 23/10/2024, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phát triển văn hóa ẩm thực du lịch Ninh Bình” tại khách sạn Ninh Bình Legend, thành phố Ninh Bình. Đến dự và chỉ đạo Tọa đàm có đồng chí Đoàn Minh Huấn – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Cùng dự có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; các chuyên gia, các nghệ nhân ẩm thực: ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel; Tiến sỹ Vũ Thế Long, Nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực, nhà báo, thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam; Liên chi hội Đầu bếp, đại diện lãnh đạo của 135 nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu biểu trên toàn tỉnh và các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí trung ương thường trú tại Ninh Bình và của địa phương tới dự và đưa tin về chương trình.
Đây là sự kiện nằm trong trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Ẩm thực du lịch Ninh Bình năm 2024. Tại buổi tọa đàm, các vị đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về tiềm năng, thế mạnh và thực trạng ẩm thực du lịch và dịch vụ ăn uống của Ninh Bình.
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 500 ngàn lượt khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón trên 7,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách nội địa đón 6,39 triệu lượt khách, khách quốc tế đón trên 907 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh Ninh Bình trong top 10 tỉnh, thành phố có lượng khách lớn nhất cả nước.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu chỉ đạo Tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của ẩm thực trong phát triển du lịch, đặc biệt trong điều kiện Ninh Bình đang xây dựng trở thành trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của Quốc gia. Thông qua Tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia ẩm thực cùng phân tích, đề xuất các giải pháp để ẩm thực Ninh Bình truyền tải bản sắc văn hóa địa phương, bao hàm sự chuyển tiếp văn hóa cung đình và văn hóa dân gian; thêm vào đó nghệ thuật ẩm thực Ninh Bình còn bao hàm cả hình thái văn hóa bản sắc của một vùng địa lý chuyển tiếp giữa các vùng miền núi phía Bắc và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bên cạnh đó, việc phát triển nghệ thuật ẩm thực Ninh Bình cần tính toán đến nhu cầu của du khách hiện đại để tạo nên món ăn phụng dưỡng thiên nhiên và vì sức khỏe, sắc đẹp con người.
Tọa đàm diễn ra 02 phiên: “Đánh giá thực trạng ẩm thực du lịch (chất lượng món, trình bày, phục vụ, sự đa dạng, thiết kế không gian,…” và “Phát triển, nâng tầm văn hóa ẩm thực du lịch Ninh Bình đẳng cấp, khác biệt (Tinh hoa ẩm thực Cố đô)”.
Theo nhận diện của các chuyên gia, Ninh Bình là vùng đất có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình bao gồm cả núi non, trung du, đồng bằng, sông ngòi, đầm lầy, ven biển... Chính vì vậy, đây là nơi hội tụ nhiều loài thực vật, động vật đa dạng, phong phú, tạo nên nguồn nguyên liệu tự nhiên tuyệt vời cho ẩm thực Cố đô. Ngoài ra, Ninh Bình cũng nằm ở vị trí giao thoa của nhiều nền văn hóa, mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước nên trong quá trình sinh sống và phát triển, người dân Ninh Bình đã tiếp thu, bồi tụ các giá trị ẩm thực trên cơ sở gìn giữ những tinh hoa của cha ông, tổ tiên để lại.
Vì thế ẩm thực Ninh Bình được biết đến với sự phong phú về số lượng, tinh tế, đa dạng trong từng khâu chế biến với nhiều món ăn nổi tiếng, chứa đựng chiều sâu văn hóa, đậm nét truyền thống của vùng đất Cố đô, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia ẩm thực cũng nhận định, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực địa phương. Trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực, đội ngũ nhân viên của loại hình du lịch ẩm thực chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chuyên môn về phong cách cũng như thái độ phục vụ khách hàng. Đội ngũ đầu bếp đã được đào tạo về nghệ thuật chế biến món ăn, thức uống, tuy nhiên chỉ tập trung vào nấu ăn, chưa thể hiện khả năng và đem từng món ăn đó để trình bày cho thực khách hiểu rõ nguồn gốc cũng như ý nghĩa của món ăn, điều này làm cho giảm đi sức hút về ẩm thực khi khách có nhu cầu hiểu biết sâu hơn về các món ăn nổi tiếng được nhà hàng chế biến.
Vì thế du lịch ẩm thực Ninh Bình chưa thực sự tạo điểm nhấn và chưa trở thành loại hình du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, đồng chí Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Tọa đàm đã nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp. Các ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ sự cần thiết và yêu cầu phải thay đổi tư duy, nhận thức của chính các chủ cơ sở, quản lý nhà hàng, khách sạn từ việc tuyển dụng, sử dụng lao động, đến việc sáng tạo, chế biến món, nâng tầm văn hóa ẩm thực, chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ; thiết kế, bài trí không gian ẩm thực của nhà hàng…
Để đưa ẩm thực trở thành thế mạnh du lịch của Ninh Bình, góp phần phát triển Công nghiệp Văn hóa, các chuyên gia cũng hiến kế nhiều giải pháp thiết thực như: Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức; Phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đa dạng, đẳng cấp; Bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống; Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận; Tăng cường quảng bá và tiếp thị; Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường…