Tin nổi bật

Gia Viễn tổ chức lễ Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế

Cập nhật: 21/03/2024
Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế sẽ diễn ra tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn ngày 24/3/2024 (tức ngày 15/2 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thân (924) tại làng Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông là con của Thứ sử Đinh Công Trứ, mẹ là bà Đàm Thị.

Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ là Đàm Thị về quê, nương thân với chú ruột là Đinh Dự ở chăn trâu. Ông thường cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, lập trận giả đánh nhau, tỏ rõ có tài chỉ huy. Bọn trẻ thường khoanh tay làm kiệu để rước ông như nghi vệ thiên tử.

Tượng vua Đinh TIên Hoàng tại Đền thờ vua Đinh ở Cố đô Hoa Lư

Đến tuổi trưởng thành vốn là người có chí khí khác thường, thấy đất nước đang lâm vào cơn hỗn loạn, Đinh Bộ Lĩnh chiêu tập trước hết là các bạn thuở cờ lau tập trận, sau đến các nghĩa sĩ quanh vùng. Bấy giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nhờ thông minh mưu lược có khí phách, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng theo về rất đông.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (Nước Việt to lớn), đóng đô ở Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nhà vua cho đúc tiền đồng “Thái Bình Hưng Bảo”, đây là đồng tiền xưa nhất của nước ta. Ông còn xây dựng kỉ cương, đặt các luật lệ để yên dân.

Đinh Tiên Hoàng trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài, là vị anh hùng dân tộc, mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Bức Đại Tự “Chính thống thủy” trong đền vua Đinh ở Trường Yên khẳng định, minh chứng cho chân lý đó.

Nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức vào ngày 23 và 24/3 như: Lễ dâng hương; lễ rước kiệu của các địa phương trong và ngoài huyện, tế yết và an vị; tế lễ; thi mâm ngũ quả tiến vua; thi cắm hoa Lau; thi Lễ vật dâng vua; thi đấu cờ người; trưng bày thư pháp và các chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn.

Cùng với đó là chuỗi các hoạt động đặc sắc như: Ra mắt cuốn sách “Gia Viễn - Lịch sử Văn hóa”; Ngày Hội đọc sách, Cuộc thi “Hoa Trạng nguyên”; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng; Tổ chức sơ khảo vòng loại cuộc thi “Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch nhí” lần thứ 3 huyện Gia Viễn; tổ chức giải Việt dã huyện Gia Viễn và giải chạy bán Marathon huyện Gia Viễn lần thứ nhất; Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2024; Lễ hội Đền Thánh Nguyễn…

Đây là chuỗi các hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Gia Viễn.

Nguồn: Phạm Giang- XTDL
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp