Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn) thuộc Top khu đất ngập nước lớn nhất của Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi lưu trữ nhiều nguồn gen quý của động, thực vật và vi sinh vật, đồng thời còn là địa bàn có nhiều cảnh quan đẹp và nhiều di tích lịch sử - văn hóa.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam.
Giá trị khoa học quý hiếm
Thực tế cho thấy, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là hiện trường nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học của các nhà khoa học, sinh viên các trường Đại học trong và ngoài nước. Đến nay đã có hàng trăm sinh viên của các trường Đại học đến đây làm luận văn tốt nghiệp đại học, thạc sỹ và tiến sỹ (trong đó có một nghiên cứu sinh người Đức). Đã có hàng trăm bài báo khoa học được công bố trên các Tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Có 4 cuốn sách được xuất bản viết về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Ngay từ ngày đầu thành lập, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (tháng 12/2001), nhiều tổ chức quốc tế và các Viện nghiên cứu đã rất quan tâm như: Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm Cúc Phương, Hội động vật học Frankurt (Cộng hòa Liên bang Đức), Cục Kiểm lâm, các trường Đại học... đã hỗ trợ để nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Vân Long.
Với đặc điểm về tự nhiên núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng, nên hệ động vật, thực vật ở Vân Long rất đặc trưng. Thống kê cho thấy, hệ sinh thái thực vật tại Vân Long có 722 loài, thuộc 451 chi, 144 họ và 35 loài thực vật thủy sinh. Hệ sinh thái động vật khu Vân Long có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú.
Điều đáng chú ý là hiện nay ở Vân Long có loài cà cuống thuộc họ chân bơi, một loài côn trùng quý, hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Ngoài giá trị về dược lý, gắn liền với văn hóa ẩm thực, cà cuống sống được là biểu hiện của sự trong lành môi trường nước, giúp con người tiêu diệt một số loài thân mềm mang bệnh ký sinh trùng, loài ốc bươu vàng...
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị khu Ramsar
Năm 2018, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận là "Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế"- khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Đây là niềm tự hào của tỉnh Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình: Thực tế, Ramsar không phải là một nhà đầu tư, nên họ không mang tiền đến đầu tư, mà họ mang đến cho chúng ta niềm tự hào về một khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Trong tương lai sẽ có hàng vạn người biết và đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, với tư cách là khách du lịch, các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và mang lại nhiều cơ hội tốt về kinh tế, kỹ thuật, xã hội hỗ trợ cho việc quản lý tốt hơn, sử dụng hợp lý hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch. Ở đây phải hiểu, giá trị của du lịch là giá trị của tính hoang sơ, khách hưởng thụ sản phẩm du lịch và người cung cấp sản phẩm du lịch là những người thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên, biết giá trị của khu Ramsar và chia sẻ lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là nhân dân địa phương.
Trong những năm qua, các sở, ngành và địa phương có liên quan đã đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn các giá trị đa dạng sinh học và các giá trị về văn hóa, lịch sử quý báu của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc HTX dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long cho biết, ngay từ đầu năm 1997, UBND huyện Gia Viễn có quyết định thành lập Trạm du lịch Vân Long. Cuối năm 2001, UBND tỉnh có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long với tổng diện tích 2.736 ha, thuộc địa giới hành chính 7 xã huyện Gia Viễn, đó là: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân và Gia Thanh.
Những kết quả hoạt động của Trạm du lịch trong 20 năm qua cũng cho thấy với sự nỗ lực của chính quyền, sự giúp đỡ của các sở, ngành và nhân dân địa phương các xã trong vùng. Đồng thời các cấp, các ngành đã rút ra nhiều bài học quý giá về: công tác quản lý, phát huy các giá trị khoa học khai thác du lịch, dịch vụ…
Để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, cuối tháng 9/2019, Hợp tác xã dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long được thành lập. Các thành viên của Hợp tác xã được tập huấn, đào tạo qua các trường lớp, có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc. Hiện nay, Hợp tác xã khai thác và sử dụng 2 tuyến đường thủy có lộ trình. Tuyến 1 là bến thuyền - hang Bóng - Kẽm Trăm - bến thuyền; tuyến 2 là bến thuyền - núi Mồ Côi - khu Đá Bàn - bến thuyền.
Không chỉ là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, Vân Long còn có giá trị khoa học, cảnh quan hấp dẫn, nằm trong vùng lân cận - nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Đức Thánh Nguyễn, chùa Địch Lộng, Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng…
Thống kê cho thấy, năm 2020 nơi đây đón 23.622 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 30%. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, khách tham quan giảm nhiều (chỉ có 8.646 lượt khách). Năm 2022, tổng lượng khách đạt 27.233 lượt khách. 6 tháng đầu năm 2023, đã có 30.399 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 60%...
Được biết, điểm mới trong hoạt động du lịch của Hợp tác xã dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long là đã giới thiệu, liên kết, ký hợp tác với nhiều nhà trường, nhiều hãng lữ hành đưa các đoàn khách quốc tế, mỗi đoàn có từ 100 đến 400 lượt khách. Các cấp, các ngành và địa phương đã xây dựng tuyến đường vào Khu du lịch, tiếp tục đầu tư các hạng mục: bến thuyền, bến xe, điểm giới thiệu du lịch bằng mã QR…
Điều vinh dự cho Hợp tác xã dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long là có sản phẩm "Dịch vụ du lịch Vân Long" được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên, đây là mô hình Hợp tác xã đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ du lịch nên cần được các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành du lịch quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, con người, hỗ trợ nghiệp vụ du lịch…
Trong khi đó, từ tiềm năng, thế mạnh của khu Ramsar, nhiều chuyên gia về du lịch đã có những gợi mở để phát triển du lịch cộng đồng, có gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể như, quan tâm thu hút các nhà đầu tư xây dựng "Công viên bảo tồn đa dạng sinh học Vân Long".
Những mô hình du lịch như thế đã thành công ở nhiều nước như "Công viên thế giới thu nhỏ" ở Trung Quốc"; "Khu vườn nuôi các loài trăn, cá sấu..." của Thái Lan; "Công viên động vật hoang dã" ở Singapore. Thực tế cho thấy, địa phương cần mời gọi, thu hút đầu tư "Mô hình nhà ở nông thôn truyền thống" trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại nhân dân đầu tư xây dựng, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và ngành du lịch. Đây là loại hình du lịch cộng đồng đã thành công như ở Đình Tố hay ở làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh)...
Huyện Gia Viễn cũng điều chỉnh lại "Tuyến du lịch các di tích lịch sử văn hóa" gắn với khu sinh thái Vân Long… Trước mắt, chọn một số địa danh có bán kính gần, có cảnh quan đẹp, có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, thành một cụm di tích liên hoàn, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo một lớp hướng dẫn viên du lịch có hiểu biết sâu về di tích, lịch sử văn hóa thuyết minh nhằm tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
Nhiều gợi mở định hướng giúp cho Khu sinh thái vừa nâng tính đa dạng của các sản phẩm du lịch, nhưng không làm mất đi tính nguyên vẹn các giá trị khoa học, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch định hướng, phân đoạn thị trường khách du lịch, để có thể đón khách du lịch quanh năm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi về với Ninh Bình.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các tầng lớp nhân dân về Công ước Ramsar. Biến niềm tự hào khu Ramsar thành ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong mọi hoạt động, để phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên theo đẳng cấp quốc tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững.