Tin du lịch Ninh Bình

Chùa và Động Thiên Tôn – Khám phá giá trị văn hóa của vùng đất Cố Đô Hoa Lư.

Cập nhật: 12/06/2023
Chùa, động Thiên Tôn - một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở vùng đất cố đô Hoa Lư, có lịch sử gắn bó ngàn năm với kinh thành Hoa Lư xưa, tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần và nằm trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn.

Chùa, động Thiên Tôn là một trong bốn "Hoa Lư tứ trấn" ra đời từ rất sớm, được phát hiện vào thời Hùng Vương. Động thờ thần Thiên Tôn, vị thần trong truyền thuyết ở Hoa Lư thế kỷ 10. Theo các thần tích các làng Bích Đào, làng Đại Phong ở Ninh Bình thì thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là một hoàng tử , do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (ở Hoa Lư, Ninh Bình) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc Hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau này thần Thiên Tôn phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa.

Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư cho xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên thần được sắc phong là An Quốc hoàng đế, trở thành một vị thần trấn trạch và bảo vệ cửa ngõ tiền đồn phía đông kinh đô Hoa Lư.

Động Thiên Tôn là một quần thể di tích động, chùa, đền nằm ở cửa ngõ phía đông cố đô Hoa Lư. Động gồm có hai hang: Hang Ngoài và hang Trong. Ngay cửa hang Trong có một Long Đĩnh làm toàn bằng đá xung quanh đều chạm khắc nổi rồng mây. Trong toà Long Đĩnh chỉ đặt một tượng Thiên Tôn bằng đồng, đứng trên lưng rùa. Tượng được trang trí nhiều màu sắc rực rỡ. Hai tay thần để trước ngực, nắm trắc đốc kiếm thần, chống mũi kiếm xuống lưng rùa. Vì thế động được gọi là động Thiên Tôn. Đến thời nhà Đường đô hộ, đạo sỹ Cao Biền đã cho xây dựng đền thờ Trấn Vũ Thiên Tôn hòng trấn long mạch đế vương sẽ phát tại vùng này.

Chùa, động Thiên Tôn nằm quay về hướng nam, đây là một trong bốn công trình được xây dựng nhằm trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất cố đô Hoa Lư. Đó là: Đền Thần Thiên Tôn ở phía Đông, Đền Thần Cao Sơn ở phía Tây, Đền Đức Thánh Nguyễn ở phía Bắc và Đền Thần Quý Minh ở phía Nam. Chùa, động Thiên Tôn thuộc khu vực núi Dũng Đương, thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía bắc. "Dũng Đương sơn" hay "Vũ Đương sơn" có nghĩa là núi chắn dòng nước mạnh từ trên chảy xuống. Ba chữ "Dũng Đương sơn" cũng được viết dưới cổng vào trong động thờ thánh Trấn Vũ Thiên Tôn. Trấn Vũ Thiên Tôn hay Chân Vũ Đế Quân chính là Huyền Thiên Thượng đế Kim Thuyết hóa thân, với vai trò tổng chỉ huy thiên binh, thiên tướng, được cử xuống trần để trừ yêu, dẹp loạn.

Thiên Tôn là vùng đất "tú thủy kỳ sơn", địa thế núi sông hòa phối, công thủ vững vàng nên hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã lấy động này làm tiền đồn, vọng gác tiền tiêu cho kinh thành Hoa Lư và là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô.

Tương truyền, trước khi đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã mang lễ vật vào tế lễ trong động để mong được thần giúp đỡ đánh tan các sứ quân khác.

Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến tập quyền độc lập đầu tiên ở nước ta. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã cho sửa đền, tô tượng, sắc phong cho thần là "An Quốc Tôn Thần", xây dựng nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi cho vào bệ kiến nhà vua.

Sau này, khi dời đô ra Đại La, vua Lý Thái Tổ vẫn cho xây dựng ở nơi đây nhiều công trình kiến trúc với quy mô lớn. Đến thời Trần và các triều đại phong kiến tiếp theo khu vực này đều được chú ý xây dựng, tôn tạo.

Trong động Thiên Tôn hiện vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật thờ tự có giá trị văn hóa, lịch sử như 18 tượng la hán, hệ thống nhang án, bệ thờ bằng đá với các hoa văn "lưỡng long chầu nguyệt", hình chim phượng, hoa lá... được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Đặc biệt, còn có quả chuông kích thước khá lớn, có bốn núm, phát ra bốn kiểu âm thanh khác nhau, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786).

Chùa và động Thiên Tôn còn là nơi gắn liền với những sự kiện lớn của đất nước. Vào những năm 1930 - 1945, động Thiên Tôn là nơi trú chân của các chiến sỹ cách mạng ở các vùng lân cận như Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh. Tại đây quân và dân Ninh Bình đã giương cao ngọn cờ, khởi nghĩa chiếm lại chính quyền ở tỉnh lỵ Ninh Bình từ tay phát xít Nhật.

Với giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, tâm linh, năm 1962, quần thể di tích chùa và động Thiên Tôn đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử tâm linh cấp quốc gia.

Lễ hội chùa, động Thiên Tôn được tổ chức vào ngày 6 đến 8/3 âm lịch hàng năm.

Ở Ninh Bình ngày nay, các nơi có dấu tích, thần tích liên quan đến thần Thiên Tôn gồm:

Làng Bích Đào, là nơi thần hóa. Hiện có đền Bích Đào ở phố Bắc Sơn và khu vực núi Cánh Diều có đền Thánh Cả thờ thần Thiên Tôn.

Làng Đại Phong: nay thuộc phường Nam Bình, Ninh Bình có chùa Trạm và đền Yên Phong thờ thần Thiên Tôn.

Làng Đa Giá: có Đình Hàng Tổng và Động Thiên Tôn là hai di tích quy mô nhất thờ thần Thiên Tôn, thuộc thị trấn Thiên Tôn.

Làng Yên Cư: nằm ở phía nam thành phố Ninh Bình. Hiện còn đền Thánh Cả thờ thần Thiên Tôn.

Làng Phú Gia: nay thuộc khu vực xã Ninh Giang, ở chùa Phong Phú còn tấm bia cổ nói về thần và đình Phong Phú thờ Thiên Tôn.

Làng Lực Giá: nay thuộc xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, nằm rất gần thị trấn Thiên Tôn, có đình Thượng Lực Giá thờ thần Thiên Tôn.

 

Nguồn: Hồng Hạnh; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0.71/5 từ 7 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp