Tin du lịch Ninh Bình

Những điểm du lịch tâm linh thu hút khách dịp Tết Nguyên Đán ở Ninh Bình!

Cập nhật: 06/02/2023
Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt, là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, Xuân về. Đến với Ninh Bình dịp Tết Nguyên Đán – Quý Mão, du khách thập phương có thể dừng chân tham quan, đi lễ đầu năm ở một số địa điểm tâm linh nổi tiếng như:

Chùa Bái Đính

Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thuộc khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất… là sự tiếp nối tâm linh từ ngàn năm trước chuyển tiếp đến ngàn năm sau.

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.

Cố đô Hoa Lư

Nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Khu di tích cố đô Hoa Lư gồm Đền Vua Đinh, Đền Vua Lê và các nhiều công trình kiến trúc khác thờ hoàng tộc hai triều Đinh, Tiền Lê. Xưa kia đây là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Khu di tích cố đô Hoa Lư hiện nay nằm trong khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - quần thể Danh thắng Tràng An, có diện tích hơn 13 km2, trong đó vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích hơn 3km2 và vùng đệm là 10km2. Khu di tích cố đô Hoa Lư là điểm đến tâm linh hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về lịch sử và lễ cầu may.

Chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ, còn gọi là chùa Một Cột là ngôi chùa cổ từ thế kỷ X thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngày nay, Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cây cột kinh bằng đá trước sân chùa. Chùa Nhất Trụ là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tham quan tín ngưỡng của du khách thập phương và là bộ phận không thể tách rời trong cụm di tích cố đô Hoa Lư.

Hàng năm, vào ngày 15 tháng  Giêng, tại chùa diễn ra lễ khao tống thuyền rồng, đây là lễ cúng Phật cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngày 8 tháng 4 âm lịch có lễ lập hạ tại chùa, cầu thời tiết thuận hòa, mùa màng tốt tươi.

Chùa Duyên Ninh

Chùa Duyên Ninh còn có tên gọi khác là chùa Thủ tọa lạc ở thành Nội của Kinh đô Hoa Lư xưa, nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa nằm trong vùng  bảo vệ đặc biệt khu di tích cố đô Hoa Lư cũng chính là vũng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An.

Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng lại nằm gần các khu du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Bình vì thế mà thu hút rất nhiều du khách thập phương và Phật tử ghé thăm nhất là những dịp đầu Xuân mới.

Đền Vực Vông

Đền Vực Vông nằm ở phía Bắc thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư). Đền được xây dưới chân núi Nhiên Sơn, cách Khu dich tích lịch sử Cố đô Hoa Lư 3 km về phía Tây Bắc.

Được xây dựng từ thế kỷ 16. Đền Vực Vông có kiến trúc kiểu chữ "công", đền thờ Bà chúa Quận Mỹ tên là Nguyễn Thị Niên (con gái của Nguyễn Quyện - một danh tướng dưới triều nhà Mạc được giao trấn giữ đất Trường Yên). Nhân dân địa phương tôn thờ bà là Mẫu Thoải vì đã có công trong việc trị thủy, xóa bỏ tục lệ cúng người cho thuồng luồng, đem lại bình yên cho người dân đất Cố đô.

Khi đến Ninh Bình những ngày đầu xuân mới, ngoài việc thăm các điểm du lịch khác du khách có thể đến thăm đền Vực, thắp hương để tưởng nhớ về một người con gái tài hoa, tiết nghĩa. Đồng thời thưởng thức cảnh đẹp thanh nhã u tịch của ngôi đền./.

Nguồn: Nhật Quỳnh; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp