Tin du lịch Ninh Bình

Du lịch Ninh Bình phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ

Cập nhật: 27/01/2023
Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19, song cũng là ngành có tốc độ phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Năm 2022, ngành Du lịch Ninh Bình đã thực sự "phá băng" bằng những kết quả ấn tượng. Toàn tỉnh đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách tham quan, vượt xa mục tiêu đề ra là 2,5 triệu lượt.

Du khách thăm Tràng An. Ảnh: Trường Huy

Phục hồi mạnh mẽ 

Năm 2022, Ninh Bình đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 100 nghìn lượt khách quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm, ngành Du lịch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đã kịp thời tham mưu, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đặc biệt là trong thời điểm mang tính cam go, quyết định nhất. 

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đón khách du lịch ngoại tỉnh và thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; ban hành Kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025… 

Với sự chủ động, nhạy bén trong công tác tham mưu, đóng, mở cửa đón khách hợp lý, Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng được quy trình đón khách an toàn, khép kín.

Ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Ninh Bình đã trở thành điểm đến có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Từ việc ban hành các kế hoạch, lộ trình đón khách cụ thể, kỹ lưỡng, vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có sự chuẩn bị chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ...

Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian "nghỉ COVID" kịp thời nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời đưa ra các sản phẩm du lịch mới như: Khu phố cổ Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích động với hình ảnh lá cờ hội khổng lồ, Khu Du lịch sinh thái Tràng An có thêm khu Làng Việt cổ… 

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông ở các khu, điểm du lịch được đảm bảo tốt. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, đa dạng, đồng thời ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội. 

Trong năm qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, có nhiều hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Ngành đã phối hợp, tham gia các sự kiện ý nghĩa để quảng bá, lan tỏa truyền thông, thu hút khách du lịch như: Lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh; Tuần lễ Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An; Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đón tiếpTổng Giám đốc UNESCO; tổ chức môn thi đấu của SEA Games 31; Festival Ninh Bình năm 2022 - Tràng An kết nối di sản…, thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn du khách, người dân. 

Với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, Du lịch Ninh Bình đã có sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, lượng khách đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2021. Trong đó khách nội địa đạt hơn 3,6 triệu lượt, khách quốc tế gần 60 nghìn lượt, vượt xa mục tiêu đề ra là 2,5 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2021. 

Đặc biệt năm nay, sự dịch chuyển khách đến từ các tỉnh miền Trung, miền Nam tăng vọt, lượng khách lưu trú cao với hơn 1 triệu lượt, góp phần tăng doanh thu cho ngành. Ngoài ra, lượng khách đến rải đều ở tất cả các tháng trong năm; vào các dịp cuối tuần, công suất phòng tại các cơ sở lưu trú luôn đạt khoảng 80-90%. 

Quyết tâm đạt mục tiêu mới

 Năm 2023, du lịch Ninh Bình phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt. Khách lưu trú qua đêm đạt 865.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 4.365 tỷ đồng. 

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Với những kết quả đã đạt được trong năm 2022, trong năm tới, ngành sẽ tiếp tục tập trung làm tốt một số công việc, như: Đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ ở các khu, điểm du lịch; tiếp tục làm mới các sản phẩm, trong đó chú trọng khai thác giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt. Làm sao để du khách khi đến với vùng đất Cố đô sẽ được trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên và không gian văn hóa một cách trọn vẹn. 

Đồng thời không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch. Khi chất lượng dịch vụ được nâng lên sẽ góp phần tăng chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho kinh tế tỉnh nhà. Ngành xác định, đây là một trong những chiến lược trọng tâm, chuyển từ hướng phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng về tiêu chí chất lượng, hài lòng hơn là phát triển về số lượng. 

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số. Trong nước, tập trung thu hút khách từ các tỉnh miền Trung, miền Nam và một số tỉnh, thành phố lớn phía Bắc. Thị trường khách quốc tế sẽ tập trung các nước Đông Bắc Á và các thị trường truyền thống của Ninh Bình như: Pháp, Anh, Đức và một số nước châu Âu.

Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là những nhiệm vụ quan trọng được ngành xác định cần tập trung thực hiện. Thời gian tới, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành, các đơn vị vẫn cần một lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. 

Việc xác định đúng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ góp phần hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, khơi dậy nội lực, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của du khách, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

Khi chất lượng dịch vụ được nâng lên sẽ góp phần tăng chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho kinh tế tỉnh nhà. Ngành Du lịch xác định, đây là một trong những chiến lược trọng tâm, chuyển từ hướng phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng về tiêu chí chất lượng, hài lòng hơn là phát triển về số lượng.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp