Ứng dụng chuyển đổi số đã mang đến diện mạo khởi sắc cho nền kinh tế xanh. Song, để "bánh xe" này tăng tốc đúng hướng, rút ngắn quãng đường phục hồi cho du lịch, cần hơn những "ánh đuốc" dẫn đường.
Trong giai đoạn phục hồi mới hậu COVID-19, chuyển đổi số được ví như chiếc đòn bẩy của nền kinh tế xanh. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Trong giai đoạn phục hồi mới hậu COVID-19, chuyển đổi số được ví như chiếc đòn bẩy của nền kinh tế xanh. Công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng tại các quốc gia mà hiện diện trong những hệ thống, hạ tầng quản trị thông minh của doanh nghiệp du lịch nhằm chống gian lận hay giúp hiểu hành vi tiêu dùng để tương tác, gợi ý…
Song, ngành du lịch Việt vẫn cần hơn nữa những "ánh đuốc" dẫn đường của các đơn vị phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ để rút ngắn quãng đường chuyển đổi và tăng tốc đúng hướng.
Du lịch tương lai với vũ trụ ảo
Ông Daika Ginza - nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hệ sinh thái Uniworld cho rằng ngành du lịch có thể tận dụng tối đa sự ưu việt của hạ tầng "blockchain" (công nghệ cơ sở dữ liệu sáng tạo). Bởi, việc thay đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu được xác minh dựa trên cơ chế đồng thuận của hệ thống, giúp tránh hacker xâm nhập, hạn chế rủi ro sai lệch thông tin, đơn giản hóa quy trình và tối ưu chi phí quản trị vận hành.
Các chuyên gia nhận định thực tế công nghệ AI đã hiện diện trong những hệ thống, hạ tầng quản trị thông minh nhằm chống gian lận hay giúp hiểu hành vi tiêu dùng để tương tác, gợi ý. Công nghệ này đang giúp nâng cao trải nghiệm người dùng tại các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản…
"Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France đã sử dụng hạ tầng công nghệ 'blockchain' để phát triển, thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử ICC AOKpass, nhằm cho phép người dùng hiển thị kết quả âm tính COVID-19 trên điện thoại di động; hãng hàng không Anh British Airways đã đầu tư và đang làm việc với công ty Zamna, sử dụng nhân diện trong việc lưu trữ, sử dụng, đồng bộ, nhận dạng và bảo mật dữ liệu," ông Daika Ginza dẫn chứng.
Các đơn vị lữ hành ứng dụng chatbot trong giai đoạn COVID-19 "nhấn chìm" du lịch. (Ảnh minh họa: Vietnam+)
Trong bối cảnh mới của nền kinh tế xanh hậu COVID-19, đẩy mạnh số hóa du lịch bằng công nghệ đang là xu hướng có tính quyết định tới tốc độ phục hồi và phát triển du lịch. Vì thế, theo các chuyên gia cần nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn hậu internet: Vũ trụ ảo (virtual universe).
Vũ trụ ảo được đánh giá là bước đột phá, đón đầu xu thế của du lịch thế giới với khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khách hàng du lịch. Bởi trải nghiệm thực tế ảo sẽ mang đến cho khách hàng lịch trình rõ ràng, trực quan hóa hành trình, địa điểm mới lạ và cụ thể, giúp khuyến khích, thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng, đặt vé, đặt phòng và du lịch ngay.
Song để triển khai thành công, vũ trụ ảo cần được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong đầu tư nguồn lực và đổi mới hạ tầng. "Chúng ta đang ở trong thời kỳ chuyển mình của nền công nghệ nhân loại. Định hướng chuẩn, thái độ đúng và tư duy tích cực sẽ giúp chúng ta trở thành những người tiên phong," ông Daika Ginza nhận định.
UniWorld Ecosystem được biết đến là hệ sinh thái hạ tầng gồm các công nghệ lõi AI, blockchain và công nghệ sinh học - chính là những công nghệ sương sống của nền kinh tế mới, hệ sinh thái tuần hoàn, xã hội thông minh 5.0 và vũ trụ ảo.
Điều đáng nói, việc ứng dụng những công nghệ lõi nói trên hoàn toàn miễn phí cho 100 nhà phát triển ứng dụng là các công ty công nghệ hoặc doanh nghiệp đầu tiên khi ứng dụng công nghệ hạ tầng lõi UniWorld vào thúc đẩy đổi mới chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Ứng dụng số giúp cho mỗi chuyến xê dịch của du khách trở nên dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Có 16 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh lực quan trọng, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens, cho rằng muốn tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ theo mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh cần gắn kết các chủ thể chính trong ngành trên môi trường số, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến và khách du lịch.
Hoạt động hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước chuyển đổi số diễn ra tập trung vào số hóa dữ liệu, phát triển các công cụ tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ việc ra quyết định và hoạch định chính sách. Các cơ sở dữ liệu số ngành du lịch được hình thành cùng với hệ thống "data dashboard" (giao diện đồ họa người dùng) phân tích dữ liệu.
Theo ông Thành, hỗ trợ đắc lực cho việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách phát triển của ngành có thể ứng dụng truyền thông số đa kênh như website, mạng xã hội, hệ thống thư điện tử, hệ thống điểm tin du lịch hàng ngày...
Chuyên gia này dẫn chứng hướng đi mới cho các điểm tham quan trong thời gian tới có thể học hỏi cách làm của Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Vừa qua, trung tâm đã triển khai chuyển đổi mô hình quản lý vận hành và công tác đón, phục vụ khách tham quan bằng hệ thống vé điện tử và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Dấu mốc đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, khoa học.
Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, ông Thành đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông về áp dụng các sản phẩm chuyển đổi số. Bởi qua một thời gian triển khai và vận hành, những lợi ích trong chuyển đổi số cho thấy đã không còn là lý thuyết.
Du lịch đã sôi động trở lại sau 2 năm đại dịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
"Cần ban hành các tiêu chuẩn về điểm đến thông minh, doanh nghiệp du lịch số và có những chỉ tiêu triển khai qua các năm. Các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ khác cũng cần truyền thông đến du khách để ứng dụng chuyển đổi số," ông Thành kiến nghị.
Thực tế cho thấy con đường của du lịch thời điểm này chỉ có thể là chuyển đổi số, lao động du lịch cần nắm vững kỹ năng, công nghệ để thực hiện và quản lý hiệu quả các dịch vụ du lịch thông minh. Vì thế các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào đào tạo, tạo việc làm cho lực lượng chiếm 1/10 việc làm trên quy mô toàn cầu này./.