Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều quốc gia quan tâm phát triển nhằm giúp người nông dân chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang kết hợp vui chơi, giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả ngành Nông nghiệp và Du lịch. Càng ngày mô hình du lịch nông nghiệp càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng.
Các vùng trồng nho, làm rượu vang tại Pháp hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan.
Trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã phát triển mạnh từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Sự hình thành và phát triển của du lịch nông nghiệp ở mỗi quốc gia có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau. Tại Mỹ, hằng năm chính quyền các bang thường tổ chức nhiều sự kiện lớn để quảng bá du lịch nông nghiệp. Qua thời gian, quy hoạch nông trại ở Mỹ đã khẳng định tính hiệu quả trong phát triển du lịch, và người nông dân có thể chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, đồng thời tổ chức các chương trình du lịch phù hợp. Theo thống kê, mỗi năm, người Mỹ chi hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi.
Tại Pháp, nhắc tới du lịch nông nghiệp thì không thể không nói tới các chuyến tham quan vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng như Bordeaux, Alsace, Loire..., ngắm những vườn nho trải rộng bạt ngàn và khám phá quy trình làm rượu thú vị. Thời gian đầu, các chuyến du lịch tới vùng sản xuất rượu chỉ giới hạn ở việc giới thiệu danh sách một số thương hiệu nổi tiếng và tổ chức thăm thú theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy nhiên, hầu hết du khách đều tỏ ra thất vọng khi chỉ được nếm và mua rượu trong chuyến đi.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị của rượu vang gắn với du lịch, các trang trại đã đưa thêm hoạt động trải nghiệm vào chương trình tham quan. Du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, truyền thống, quy trình sản xuất và giao lưu với nông dân. Để thúc đẩy mô hình này, năm 2016, chính phủ Pháp mở cổng thông tin về du lịch rượu vang.
Đầu những năm 2000, chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định quy hoạch hơn 30 khu vực để phát triển du lịch nông nghiệp thành một ngành kinh tế mới, tạo thu nhập cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và quan trọng nhất là bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan. Các khu vực du lịch được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại tư nhân đã tạo nên làn sóng du lịch mới ở Đài Loan...
Theo Hiệp hội Phát triển du lịch Đài Loan, chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp là chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các nội dung giáo dục về nông nghiệp, thực phẩm. Các chủ thể này phải trải qua quá trình 6 cấp của doanh nghiệp, kết hợp đa lĩnh vực giải trí, du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện khả năng cạnh tranh. Với cách làm hiệu quả và phù hợp, mô hình du lịch này đã mang lại thành công ngoài mong đợi, không chỉ chặn đứng sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn các vùng nông thôn, mà còn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đến nay, những cái tên Nông trại Cingjing, Nông trại chè Pinglin, Nông trại Bí Ngô... đã trở thành điểm đến ấn tượng đối với những tín đồ yêu xê dịch. Sản phẩm nông nghiệp du lịch của Đài Loan hiện đã theo chân du khách đi khắp thế giới, tạo ra thu nhập không nhỏ cho cộng đồng cư dân địa phương...
Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ. Ngoài ra, việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn, kéo dài mùa vụ du lịch trong thời gian thấp điểm. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần có 4 thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp, đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Đặc biệt, việc phát triển du lịch nông thôn ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương. Để đạt được hiệu quả bền vững, mỗi quốc gia cần xây dựng một chiến lược phù hợp với các mục tiêu, lộ trình cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn cùng sự tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với những khu vực đã triển khai thành công mô hình du lịch này.