Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi từng thế núi, dáng sông đều chứa đựng các lớp trầm tích lịch sử - văn hóa, dấu vết của tiền nhân; nơi đây được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú. Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, được nhiều chuyên trang du lịch uy tín quốc tế bình chọn, nhắc đến như là địa phương duy nhất của Châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023. Năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 8,7 triệu lượt khách tham quan, vượt 16% so với kế hoạch đề ra, tăng gần 30% so với năm 2023. Trong đó: khách nội địa đón 7,2 triệu lượt khách, khách quốc tế đón trên 1,5 triệu lượt khách. Doanh thu ước đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, xây dựng thương hiệu điểm đến nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Với định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho đầu tư cũng như phát triển thương hiệu du lịch. Giai đoạn 2001 – 2020, Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, trong đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045 xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, từng bước xây dựng điểm đến du lịch “An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Tỉnh Ninh Bình đã xác định chiến lược xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch, điểm đến du lịch hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực Châu Á và trên thế giới. Chính vì thế, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn riêng, mang chiều sâu văn hóa và có chất lượng rất quan trọng. Các sản phẩm du lịch không chỉ về cảnh quan tự nhiên, du lịch sinh thái mà kết hợp cả những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo có chất lượng tốt nhằm tạo dấu ấn thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô” với mục tiêu gia tăng sự hiện hiện của địa phương trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Đây là một chiến lược quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình thông qua các chiến dịch quảng cáo và qua các sự kiện quốc tế, hội nghị du lịch và các chương trình truyền thông. Xây dựng thương hiệu du lịch "Tuyệt sắc miền Cố đô" là một bước đi quan trọng để đưa Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch nổi bật, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Thương hiệu này sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến lợi ích và tác động tích cực đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng góp phần vào việc hình thành thương hiệu du lịch Ninh Bình như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, vườn quốc gia Cúc Phương… cùng nhiều sự kiện lễ hội, văn hóa, ẩm thực đã được xây dựng và phát triển thành các sản phẩm du lịch nổi bật như: Lễ hội Hoa Lư, Tràng An, Tuần Du lịch sắc vàng Tam Cốc – Tràng An, Festival Tràng An, thịt dê, cơm cháy… Tất cả gắn kết tạo nên thương hiệu du lịch Ninh Bình hấp dẫn du khách.
Ninh Bình tích cực xây dựng quảng bá thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô” nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và di sản, tạo cơ hội việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và bảo vệ thiên nhiên, góp phần đưa Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi bật và bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện đại, từng bước xây dựng điểm đến du lịch Ninh Bình “An toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”./.