Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3987/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 3986/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (huyện Yên Mô) và lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng Nộn Khê thuộc xã Yên Từ, Yên Mô, Ninh Bình. Theo tục lệ cổ truyền, cứ vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm làng lại tổ chức lễ hội Báo Bản. Đây là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa là đền ơn báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của các tiền nhân theo câu “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội Báo Bản Nộn Khê gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ là dịp để những người dân trong làng dâng hương tưởng nhớ những tiền nhân đã khai phá, lập làng và đồng thời là gửi gắm tấm lòng thành kính đến những liệt sĩ đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ đất nước. Một nét độc đáo của lễ hội Báo Bản là kính báo lên Thành Hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em dân làng và những thành tích của làng đã đạt được trong năm cũ. Phần hội sôi động với các tiết mục: múa rồng, múa lân, đánh cờ, võ vật, tổ tôm và các hoạt động thể dục thể thao.
Nét đặc sắc của lễ hội Báo Bản ở Nộn Khê còn giữ được đó là hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương như: bánh đúc, bánh gai, bánh cuốn, bún riêu, bún ốc…
Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Đền thờ Đức Thánh Nguyễn thuộc xã Gia Thắng, Gia Tiến, huyện Gia Viễn. Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân công lao to lớn của Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ chính có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền; tế lục khúc, tế nam quan, nữ quan… phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian kéo co, cờ 32 quân, chọi gà, thi bóng chuyền, bóng đá…
Hai lễ hội truyền thống trên không chỉ là một sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, mà còn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của vùng đất Ninh Bình. Việc lễ hội Báo bản Nộn Khê và lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ có ý nghĩa lớn đối với người dân Ninh Bình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn di sản, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại, góp phần phát triển du lịch bền vững./.