Để gia tăng hành trình trải nghiệm và giữ chân du khách, thời gian qua, ngành Du lịch đã tìm kiếm, xây dựng các sản phẩm mới, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của thương hiệu du lịch Ninh Bình.
Trao giải nhất phần thi Mâm cỗ truyền thống tiến Vua cho thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô tại Hội thi Ẩm thực du lịch Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Anh Tuấn
Nổi bật trong những ngày qua là việc ngành Du lịch đã tham mưu, xây dựng và tổ chức thành công các chương trình độc đáo, hấp dẫn như Lễ hội Ẩm thực du lịch Ninh Bình, Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An-Cúc Phương năm 2024. Đây là hai sản phẩm du lịch mới được ngành xác định sẽ xây dựng trở thành sản phẩm thường niên, góp phần định vị và khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.
Ông Đinh Văn Bảy, Phó Giám đốc Tập đoàn Xuân Khiêm cho biết: Đây là lần đầu tiên Công viên khủng long Ninh Bình phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Lễ hội Ẩm thực du lịch Ninh Bình. Sự kiện diễn ra trong thời gian dài (từ 18-29/10), với gần 20 hoạt động hưởng ứng sôi nổi như Hội thi Ẩm thực du lịch; thi mâm cơm gia đình; pha chế đồ uống, tinh hoa chè Việt; nặn tò he; viết thư pháp…
Xác định sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, ẩm thực, lịch sử truyền thống của vùng đất Cố đô, vì vậy đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, đặc biệt về công tác tổ chức, các điều kiện an ninh, an toàn.
Đến thời điểm này, sự kiện đã diễn ra thành công, tốt đẹp, mang đến nhiều cảm xúc, ấn tượng cho du khách, Nhân dân. Ước tính trong những ngày diễn ra lễ hội, đã có gần 100 nghìn lượt khách đến vui chơi và tham dự chương trình.Hấp dẫn nhất là Hội thi Ẩm thực du lịch Ninh Bình với sự tham gia của tất cả các địa phương và nhiều nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với ngành Du lịch mà còn với sự phát triển văn hóa và kinh tế chung của tỉnh. Lễ hội đã góp phần giới thiệu, quảng bá tinh hoa ẩm thực truyền thống miền Cố đô, nghiên cứu, phục dựng các món ăn cung đình xưa. Qua đó nâng tầm giá trị, chất lượng các món ăn để phục vụ du khách, tạo ra sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch, mùa hè-thu vốn là khoảng thời gian gặp nhiều khó khăn cho ngành Du lịch khi lượng khách nội địa giảm mạnh trong khi khách quốc tế chưa vào cao điểm. Những năm gần đây, để đa dạng hành trình trải nghiệm cho du khách, kích cầu du lịch, ngành Du lịch và các doanh nghiệp đã không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới, hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành “điểm đến bốn mùa” trong năm.
Một trong những định hướng mà ngành xác định có nhiều tiềm năng khai thác và quảng bá hình ảnh đó chính là loại hình du lịch thể thao kết hợp khám phá thiên nhiên, văn hóa vùng đất Cố đô. Nhiều hoạt động mới đã được các doanh nghiệp, đơn vị đưa vào phục vụ du khách như chèo thuyền kayak, đạp xe, chạy bộ, leo núi và mới đây nhất là trải nghiệm bằng dù lượn và khinh khí cầu.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thông qua việc tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An-Cúc Phương năm 2024 nhằm mang đến những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mới lạ. Đồng thời là tiền đề để ngành nghiên cứu xây dựng những sản phẩm mới sẽ xuất hiện trong Tuần Du lịch Ninh Bình được tổ chức tới đây. Với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.
Tuy nhiên làm thế nào để hấp dẫn, níu chân du khách ở lại dài ngày là bài toán đặt ra đối với những người làm du lịch Ninh Bình trong nhiều năm qua. Việc không ngừng làm mới các sản phẩm, gia tăng trải nghiệm về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực sẽ góp phần tăng doanh thu và khai thác phát triển du lịch một cách bền vững hơn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đó là phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính và 3 nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ gồm nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề về khám phá tự nhiên, lễ hội, ẩm thực; nhóm sản phẩm du lịch liên ngành: du lịch MICE (gắn với sự kiện hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch giáo dục, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm phim trường…; nhóm sản phẩm du lịch liên vùng. Luôn làm mới, tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách đến dài ngày và quay trở lại nhiều lần hơn. Đó là yêu cầu tất yếu của ngành Du lịch.
Để thực hiện những mục tiêu này, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh thì ngành Du lịch cần tiếp tục tìm tòi, đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực; kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch… Từ đó tạo động lực để ngành kinh tế xanh này phát triển bứt phá trong thời gian tới.