Tin du lịch Ninh Bình

Long sàng đá đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng – Bảo vật quốc gia tại Ninh Bình

Cập nhật: 23/08/2024
Cố đô Hoa Lư được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh – Tiền Lê - Lý. Với bề dày lịch sử, Cố đô Hoa Lư ẩn chứa nhiều giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật của người dân Việt Nam xưa, nổi bật là cặp long sàng đá ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được công nhận là bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2017.

Long sàng trước Nghi môn ngoại

Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17. Đây cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn và là điểm du lịch văn hóa lịch sử đầy hấp dẫn dành cho du khách khi đến với Ninh Bình.

Long sàng được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều. Giữa long sàng trang trí hình rồng cuộn mang đầy đủ nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh. Thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau uy nghi. Bề mặt của long sàng được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ uy dũng, 2 tay vịn là 2 con rồng dáng vẻ thanh cao đang uốn mình trên tầng mây. Xung quanh long sàng có 2 hàng chân, cột để cắm cờ bát biểu, vũ khí trong ngày hội, tượng trưng cho các thứ bậc của quan quân văn võ, trong đó có 10 thanh long đao tượng trưng cho 10 đạo quân.

Điểm nhấn đặc sắc của Long sàng là những chi tiết điêu khắc trên đó được nhân hóa rất lạ. Cả bốn chi của rồng thay vì tạo hình chân móng vuốt chim ưng như truyền thống lại đang mang dáng hình cánh tay người nhỏ nhắn, thon dài, nữ tính. Hai bàn tay ở vị trí chi trước nắm chặt sừng và bờm rồng; ở vị trí chi sau, một cánh tay thon mềm vít râu rồng, tay còn lại xòe ngón đạp chơi vơi trên không trung. Thân rồng đang vặn mình, ngửa bụng lên trời. Cách tạo tác chi rồng trên Long sàng thành cánh tay, bàn tay vũ nữ mềm mại hay rồng ngửa bụng đã thể hiện sự tài tình, khéo léo và hết sức tinh tế của những nghệ nhân điêu khắc thời bấy giờ, bởi đó là những chi tiết trang trí xưa nay hiếm trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của Việt Nam.

Long sàng trước Bái đường

Chiếc Long sàng thứ hai ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tuổi đời trên 300 năm, được đặt ở vị trí trang trọng trên sân chầu của ngôi đền cổ, sát thềm tòa Bái đường. Long sàng này cũng được tạc dựng từ đá nguyên khối hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 2 tấn. Trên mặt Long sàng trước bái đường cũng trạm khắc nổi hình rồng cuộn, xung quanh đầy những họa tiết hoa văn độc đáo.

Tương tự Long sàng trước Nghi môn ngoại, điểm nhấn đặc biệt ở chi tiết chạm khắc rồng là ba trong bốn chi được các nghệ nhân điêu khắc nhân hóa mang hình dáng cánh tay và bàn tay con người, mỗi bàn tay thực hiện một nhiệm vụ, không tay nào giống tay nào, tay thì vít chặt sừng rồng, tay nắm chặt bờm. Ở hai chi sau, một chi vẫn giữ kiểu móng vuốt chim ưng truyền thống, còn một chi xòe ra như bàn tay sáu ngón đang nắm giữ thân rồng. Mình rồng vặn xoắn, bụng ngửa lên trời, cổ không rõ ràng mà bị râu và bờm che khuất. Đầu rồng được chạm sắc nét cũng đang ngậm viên ngọc, từng đừng nét như vẩy, vi, chi, râu, sừng rồng được tạo hình nổi rất rõ. Mỗi khi trời mưa, nước đọng lại trên mặt sập, nhìn hình rồng như đang cuộn tròn, vùng vẫy giữa mây trời bao la rộng lớn trên những tầng mây cao. Xung quanh sập cũng được thiết kế trạm đầy hoa văn với đủ các họa tiết từ cỏ cây hoa lá, chim muôn thú... điều này nói lên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa đấng quyền uy tối cao với dân chúng. Đây chính là sự bình dân hóa thể hiện sự đoàn kết trên dưới một lòng giữa trời đất, vua với dân... Nhiều nơi trên sập đá thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân Việt cách đây hàng trăm năm. Cho dù thời gian có khắc nghiệt đến đâu, những nét trạm trổ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, càng lâu, nét tinh hoa càng hiện rõ.

Các nhà khoa học đánh giá, cặp Long sàng trước Nghi môn ngoại và trước Bái đường trong khuôn viên đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Đây là hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa, thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc và giao thoa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa và Ấn Độ. Tất cả họa tiết được trang trí trên long sàng đều được chạm khắc tỉ mỉ và chau chuốt đến từng chi tiết. Điều này cho thấy óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc đá thế kỷ 17 khi dày công tạo tác một bức tranh trên đá với ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa nhiều thông điệp.

Hiện tỉnh Ninh Bình đang sở hữu 6 Bảo vật quốc gia gồm: Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ; Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành và Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân vùng đất cố đô Hoa Lư.

Việc bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật, bảo vật quốc gia không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình./.

Nguồn: Nguyễn Loan; Ảnh: Xuân Lâm
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp