Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành Du lịch Ninh Bình lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên trên nền tảng lịch sử văn hóa bản địa. Vì thế, để phát triển du lịch bền vững thì không thể "ăn xổi" mà tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình để làm rõ hơn nội dung này. Sau đây là nội dung trao đổi.
Khu du lịch sinh thái Thung Nham, xã Ninh Hải (Hoa Lư) nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa nhằm xây dựng môi trường xanh. Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên (PV): Thưa bà, thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều đến khái niệm "du lịch xanh" hay "xanh hóa du lịch". Vậy bà có thể chia sẻ rõ hơn vì sao Ninh Bình cần kiên định theo xu hướng này trong bối cảnh hiện nay?
Bà Dương Thị Thanh: Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ninh Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và các di tích lịch sử quý giá. Đặc biệt Ninh Bình hiện đang sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây là nguồn lực to lớn để tỉnh khai thác du lịch xanh theo hướng bảo vệ cảnh quan môi trường gắn với các giá trị về lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo,…
Vài năm trở lại đây, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển đột phá mà theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch là mức tăng trưởng rất cao với cả lượng khách trong nước và quốc tế. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức khiến Ninh Bình có thể trở thành "điểm nóng" trong vấn đề môi trường.
Ví dụ, khi trở thành "điểm nóng" thu hút khách mà thiếu sự chuẩn bị hạ tầng và tâm lý, thì hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí phát triển quá nhanh, quá tải. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, vi phạm xây dựng trong vùng lõi di sản,… khiến Ninh Bình giảm sức hấp dẫn đối với du khách, nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện nay du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến, ưu tiên các loại hình, khu điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ. Chính vì thế, việc đi theo hướng xanh là xu hướng tất yếu, là con đường phát triển xuyên suốt, bền vững mà Ninh Bình cần tiếp tục kiên định và nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới.
Du khách tham quan Tràng An. Ảnh: Ngọc Linh
PV: Hiệp hội Du lịch Ninh Bình là ngôi nhà chung của những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực du lịch nhà hàng-khách sạn. Vậy thời gian qua Hiệp hội đã hưởng ứng và thực hiện mục tiêu này như thế nào?
Bà Dương Thị Thanh: Hiệp hội Du lịch Ninh Bình hiện nay có 125 thành viên là đại diện các khu điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã tích cực tuyên truyền cho các hội viên về chủ trương, đường lối phát triển của ngành, của tỉnh.
Cùng với đó, hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...), xây dựng sản phẩm du lịch xanh; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn…; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch. Các hoạt động đều được tất cả thành viên Hiệp hội hưởng ứng nhiệt tình, tích cực, nhiều doanh nghiệp có những đóng góp, sáng tạo như tại khu du lịch Thiên Hà, khu du lịch Thung Nham, Tràng An…
Đặc biệt vừa qua, Ninh Bình là một trong 2 địa phương trên cả nước được lựa chọn thực hiện thí điểm Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện. Được triển khai thực hiện từ tháng 1/2023 đến nay Dự án đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được triển khai rộng rãi; một số khu, điểm du lịch đã thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thải rác thải nhựa; xây dựng kế hoạch hành động và chuẩn bị ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Đến thời điểm này có hơn 40 doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp không rác thải nhựa, nhiều hội thảo và các lớp tập huấn đã được tổ chức thành công góp phần nâng cao nhận thức về du lịch xanh, hạn chế rác thải nhựa của cả người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.
PV: Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, bà có đề xuất, mong muốn gì để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển theo hướng xanh, bền vững?
Bà Dương Thị Thanh: Tỉnh Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước bởi cách làm bài bản với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa. Tuy nhiên, để ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, tôi mong muốn UBND tỉnh, ngành Du lịch tiếp tục quan tâm ban hành các chính sách để các doanh nghiệp, tổ chức du lịch của tỉnh phát triển hơn nữa. Ngoài ra, cần hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Đặc biệt tạo động lực để phát triển các sản phẩm du lịch đêm để níu chân, lưu giữ thời gian của du khách khi đến với Ninh Bình. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đầu tư các dự án, dịch vụ, công trình chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch.
PV: Xin cảm ơn bà!