Tin du lịch Ninh Bình

Di tích lịch sử văn hóa chùa Phúc Nhạc xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

Cập nhật: 27/05/2024
Chùa Phúc Nhạc (Già Lê Tự) là một ngôi chùa cổ, nằm ở xóm Chùa, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chùa được xây dựng từ đời hậu Trần (năm 1603). Chùa quay theo hướng Bắc, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 3.310 m2, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Bia đá chùa có khắc câu: “Tô thêm vẻ đẹp cho non sông” (Tăng quan hà chi tráng quan) cùng bài minh dưới đây:

 

Âm hán việt

 

Dịch là

Ấp danh Phúc Nhạc

Tự hiệu Già Lê

Địa trung linh tú

Tích hiển Trần Lê

Tăng hoằng Phật pháp

Công vô hạn tề

Hồi hướng chính đạo

Dân dựng phất mê

Ư vạn tư niên

Cộng chứng bồ đề

Bản tự đệ nhất tổ sư tự Phả tế

Đệ nhị tổ sư tự Thông Trạch

Đệ tam tông sư tự Thanh Khiết

 

 

Ấp tên Phúc Nhạc

Chùa gọi Già Lê

Đất thiêng chung đúc

Từ thời Trần Lê

Sư truyền Phật pháp

Công đức ai bì

Hướng về chính đạo

Dân thảy say mê

Ngàn vạn năm sau

Chứng quả bồ đề

Vị sư thứ nhất tên chữ là: Phổ Tế

Vị sư thứ 2 tên chữ là: Thông Trạch

Vị sư thứ 3 tên chữ là: Thanh Khiết

 

Toàn cảnh khuôn viên chùa Phúc Nhạc

Vài nét sơ lược về chùa Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc

Chùa Phúc Nhạc được xây dựng từ đời Hậu Trần (năm 1603), tên chùa Già Lê Tự. Thời kỳ đầu, chùa chỉ là một am nhỏ, tường đất mái tranh do nhân dân lập nên để thờ Phật cầu khấn, do nhân dân quản lý, đầu thế kỷ 17 mới có sư đến trụ trì. Đầu thế kỷ thứ 18 (năm Gia Long thứ 10), chùa được xây dựng lại lợp ngói, tường xây. Sau quá trình trùng tu, xây dựng ngôi chùa có diện mạo như ngày nay.

Nhà Tam Quan – Chùa Phúc Nhạc

Chùa Phúc Nhạc là nơi ở và làm việc của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong những ngày đầu khai khẩn đất đai thành lập huyện Kim Sơn năm Kỷ Sửu (1829). Nhờ có sự giúp đỡ của cụ sư trụ trì ở chùa Phúc Nhạc mà Nguyễn Công Trứ có điều kiện thuận lợi trong công cuộc khẩn hoang vùng bãi bồi ven biển thành lập huyện Kim Sơn.

Chùa là nơi thụ giới của hòa thượng Phạm Đức Nhuận chủ tịch Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, cuối năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng và mặt trận Việt Minh, Hội phật giáo cứu quốc tỉnh Ninh Bình được tổ chức tại chùa Phúc Nhạc, sư cụ Phan Thanh Sán được bầu làm chủ tịch hội phật giáo cứu quốc tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, mặt trận Việt Minh, Hội phật giáo huyện Yên Khánh đã thành lập Thanh niên Phật giáo bán vũ trang với 186 vị, trong đó phần đông là Thanh niên Phật tử chùa Nhạc tham gia, đây là lực lượng nòng cốt để tham gia phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn từ năm 1947 đến năm 1949 ở địa phương.

Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Phúc Nhạc là cơ sở vững chắc của cách mạng, là nơi hoạt động bí mật của chi bộ đảng, là trung tâm liên lạc, lưu giữ, chuyển nhận công văn, tài liệu, tin tức cho hoạt động kháng chiến ở vùng địch hậu, nhiều nhà sư vừa làm nhiệm vụ tu hành vừ tích cực hoạt động cách mạng, tiêu biểu là cụ Phan Thanh Sán, Hoàng Thanh Bằng, sư ông Thái, sư ông Cao….

Về kiến trúc của Chùa Phúc Nhạc

Nhà thờ Tổ - Chùa Phúc Nhạc

Chùa quay hướng Tây, các phía Bắc, Đông, Tây giáp nhà dân, phía Nam là ao chùa. Qua Tam quan vào trong sân lát gạch là tòa nhà 5 gian, hai tầng, 4 mái. Tiếp nhà Tam Quan là một sân lát gạch nhỏ, qua sân là nhà tiền đường 6 gian với hàng cột đá vuông mỗi chiều 25cm, cao 2.5m, chạm khắc hoa lá lật khá tinh sảo thời Nguyễn. Tiếp nhà Tiền đường là nhà Tam Bảo 4 gian dọc, trong Tam Bảo thờ Phật với hệ thống tượng thờ khá đẹp nhất là tòa cửu long bằng đồng. .. Từ ngoài vào, phía bên trái là nhà tổ 5 gian Tiền đường, 2 gian hậu cung và một dãy trai đường là nhà khách, nhà cổ, nhà kho. Toàn bộ khu chùa có tới 45 gian nhà kiên cố các loại. Phía trước, bên trái là hệ thống 8 cây tháp xây cất kiên cố, chạm khắc hoa văn, đó là nơi viên tịch của các vị đã trụ trì ở đây. Các công trình ở chùa được xây dựng khép kín, một hệ thống liên hoàn không tách rời nhau giữa nhà này với nhà khác.

Chùa Phúc Nhạc khá phong phú về loại hình và chất liệu có đồ đá, đồ gỗ, đồ sành sứ, đồ đồng, hiện giữ lại được một số di vật quý như :

- Một chuông đồng to đúc vào năm Gia Long thứ 10

- Tòa tượng phật Cửu Long bằng đồng đúc vào năm Bảo đại thập tam niên (năm 1938)

- Một hệ thống với 17 bia hậu bằng đá gọi là hậu Phật bia ký là nghệ thuật độc đáo, một di tích vô cùng quý giá

-  Bát hương đá cổ thời Nguyễn

Nhà chùa còn có những công trình kiến trúc khá độc đáo như nhà thờ Tổ bốn mái, toàn bộ phía trước được xây dựng bằng đá, trạm các hoa văn, câu đối….

Lễ  hội hàng năm tại chùa Phúc Nhạc

Lễ phật đản tại Chùa Phúc Nhạc

Ngoài tổ chức lễ Phật Đản hàng năm vào ngày 15 tháng 4 âm lịch nhà chùa còn tổ chức các tuần tiết hàng năm như: lễ thượng nguyên ngày 15 tháng một, lễ trung nguyên ngày 15 tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan, lễ Phật thích ca thành đạo ngày 15 tháng 12. Chùa Phúc Nhạc cứ 6 năm một lần làm chay để cầu siêu cho các vong linh vào tháng 2 âm lịch diễn ra từ 5 ngày đến 7 ngày (làm lễ tại chùa trong 3 ngày, 1 ngày các thôn rước thành Hoàng lên chùa nhập tịch, 1 ngày rước về).

Nguồn: Tỉnh đoàn Ninh Bình
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp