Làng nghề mộc Phúc Lộc ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình là một làng nghề truyền thống nổi tiếng chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ bằng gỗ. Làng nghề ra đời cách đây hàng trăm năm, từ thời Đinh – Lê và phát triển theo hướng cha truyền con nối. Từ xưa người nghệ nhân Phúc Lộc đã sáng tạo ra những sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ cho những việc làm nhà thờ, chùa, đền, đình. Làng nghề mộc Phúc Lộc được đánh giá là nơi lưu giữu và bảo tồn những tinh hoa của nghề làm mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn.
Dù công cụ lao động hết sức thủ công, các công đoạn đục, đẽo, bào đều làm bằng tay nhưng nhờ có sự khéo léo và óc sáng tạo mà nghề mộc ở Phúc Lộc ngày càng phát triển, được lan truyền đi khắp nơi như Thanh Hóa, Nghệ An…, trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Bắc Bộ.
Các sản phẩn được làm ra tại làng nghề này đều là những sản phẩm thủ công, gia dụng như giường, tủ, bàn ghế, sa lông, thanh cửa, chấn song và tay vịn cầu thang bằng gỗ, hàng trang trí nội thất…với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp và tinh tế. Ngoài ra những người thợ thủ công lâu năm có tay nghề cao, bằng sự thông minh và óc sáng tạo của mình, họ còn có thể tạo ra nhiều tuyệt phẩm vô cùng cầu kỳ, cao cấp và sang trọng như tủ chè, sập gụ, sập lim, chạm trổ hoa văn các loại…tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, hoặc tạc tượng, làm các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội, tu sửa đền chùa, miếu mạo…
Để giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất lao động, hầu hết các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất đồ mộc ngày nay đều trang bị máy móc hiện đại các loại như: máy cưa, bào, khoan, tiện…Song, không có máy nào thay thế được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đồ mộc mỹ nghệ Phúc Lộc đã có truyền thống hàng trăm năm nay.
Ngay tại Phúc Lộc còn có ngôi chùa Mật Tự xuất hiện từ thời Đinh – Lê với lối kiến trúc đặc sắc, thiết kế tinh xảo, mang nét cổ kính lâu đời. Ngôi chùa được làm từ gỗ lim đen bóng, là nơi thờ Thành Hoàng làng, ông tổ nghề mộc của nơi đây. Đến thăm quan làng nghề, du khách sẽ ghé qua thắp hương để tưởng nhớ ông tổ nghề mộc và tìm hiểu về cuộc sống cũng như truyền thống làm nghề ở nơi đây, mua những sản phẩm của làng nghề về làm quà lưu niệm.