Việt Nam cũng là quốc gia có diện tích vùng nông thôn lớn và đa dạng, có điều kiện tự nhiên khác nhau, như: vùng núi cao ở miền Bắc có nhiều cây chè, cây hương liệu; cao nguyên ở miền Trung có cây công nghiệp, cây ăn trái; đồng bằng ở Bắc Bộ và Nam Bộ nhiều lúa và đa dạng cây trồng; vùng duyên hải ven biển nuôi trồng thủy sản... Mỗi vùng có những nét độc đáo trong ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống, tạo nên thế mạnh riêng.
Hái trà trong tour du lịch vườn chè ở Công ty Trà Long Đỉnh. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021
Có một điều dễ nhận thấy là tài nguyên thiên nhiên cho du lịch hiện nay phần lớn gắn với nông nghiệp hoặc nông thôn, như: rừng, núi, sông, hồ; cơ sở sản xuất hay các làng nghề... Làng quê Việt Nam với những con đường nhỏ đi giữa hai bờ ruộng lúa, vườn rau, hoa hay cây trái... là cảnh đẹp miên man hút hồn người xứ lạ. Những ngôi đình, đền, hoàng thành, chùa... cổ kính, rêu phong sau tán cây cổ thụ già nua, nổi rễ sần sùi trên mặt đất lại là nhân chứng lịch sử của bao biến cố, bao cuộc đời, bao câu chuyện...
Tài nguyên nhân văn ở vùng nông thôn thể hiện rõ ở tính cách của người quê, với nét chân tình, cởi mở, dễ mến và dễ gây thiện cảm. Người quê sẵn sàng mở cổng mời khách vào nghỉ chân, uống nước và chia sẻ những câu chuyện về đời sống thường ngày dưới mái hiên nhà hay dưới bóng cây trong sân... Vùng quê còn có các loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo, hoặc các lễ hội dân gian truyền thống... mà ngày nay nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phải nghiên cứu, phục dựng để trao truyền. Các hoạt động lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hằng năm, theo mùa vụ, giúp tăng tính tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương...
Khi tham gia tour du lịch nông thôn, du khách có cơ hội gặp gỡ nghệ nhân giàu kinh nghiệm của làng nghề, có thể giảng dạy hay hướng dẫn những thao tác đơn giản về nghề; hay gặp một hướng dẫn viên có kỹ năng đi rừng tốt, hoặc có duyên gặp những người bạn đồng hành hài hước, dí dỏm... giúp tăng sự ngưỡng mộ, sự tự tin hay sự vui vẻ cho du khách. Đây cũng là loại sản phẩm độc đáo không thể nhìn thấy, không dễ soi xét, hoặc không phải lúc nào cũng có trong một chuyến du lịch.
Hơn nữa, từ năm 2018 đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế thực hiện (doanh nghiệp, hộ sản xuất), với mục tiêu góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và con người, văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương. Khách vừa tham quan quy trình sản xuất, vừa mua sản phẩm tại chỗ, cũng là cơ hội để phục vụ và phát triển kinh tế du lịch.
Như vậy, sản phẩm du lịch nông thôn, chính là: dịch vụ du lịch, hàng hóa và tiện nghi, cảm xúc cung ứng cho du khách, được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên (tài nguyên du lịch), cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động du lịch tại một vùng nông thôn nào đó (dịch vụ và hàng hóa du lịch) thoả mãn được một phần hay hoàn toàn nhu cầu của khách du lịch (cảm xúc). Sản phẩm du lịch có thể là sản phẩm đơn lẻ, có thể là sản phẩm tổng hợp, do một đơn vị cung ứng trọn gói hay do nhiều đơn vị kinh doanh cùng tham gia cung ứng. Ví dụ một cơ sở lưu trú có dịch vụ cho khách du lịch thuê xe tự lái và phục vụ nhu cầu ăn uống, hoặc cơ sở lưu trú đó liên kết với một hay nhiều cơ sở khác cung cấp các loại dịch vụ cho du khách...
Chế biến món ăn từ nấm ở Khu Du lịch Làng Nấm. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Việt Nam đang chủ yếu dựa trên vườn cây, ruộng lúa, đồng sen, ao cá, vuông tôm có sẵn và phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm, ăn uống, mua trái cây, hay đặc sản và chỉ gói gọn trong ngày nên thu nhập không nhiều. Còn rất thiếu những cơ sở đầu tư thành khu nghỉ dưỡng phù hợp ở vùng nông thôn, với phòng ngủ, nhà hàng, view ngắm cảnh... cho hiệu quả kinh doanh tương xứng và phục vụ được những du khách muốn có kỳ nghỉ dài ngày ở vùng nông thôn.
Ngoài ra, sản phẩm dịch vụ ở các vùng nông thôn còn mang tính đơn điệu, dễ dẫn đến sự nhàm chán vì thiếu cái mới. Khách của du lịch nông thôn đương nhiên là những người thích du lịch ở vùng nông thôn rồi. Nhưng, làm sao để thu hút họ lựa chọn tiếp các chuyến du lịch nông thôn, ngoài những điều ở vùng nông thôn vẫn có và luôn hiện hữu là phong cảnh yên bình, con người hiền lành, kiến trúc cổ kính, lễ hội và ẩm thực khác biệt.
Tức là, sản phẩm du lịch nông thôn phải không ngừng được nâng tầm và đổi mới. Không phải là thay đổi cuộc sống và sinh hoạt thường ngày, mà cần thêm những dịch vụ giá trị gia tăng cho phù hợp với điều kiện tại thời điểm đó, như: khí hậu (nóng, lạnh, mưa, sương, nắng), mùa (xuân, hè, thu, đông), vụ (gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến) làm thành điều hấp dẫn, thú vị cho du khách là cư dân thành phố, hay các vùng nông thôn khác.