Hội tụ đủ vẻ đẹp của đá, nước, sen hồ bóng núi xen với thảm lúa đồng óng ả, Hang Múa vừa thực, vừa ảo giữa một vùng núi non trùng điệp. Đây thực chất là một vùng di tích lịch sử mang đặc trưng phong cảnh của Ninh Bình nằm ở thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, đây là điểm đến được du khách trong nước và nước ngoài chụp ảnh nhiều nhất trên mạng xã hội những năm gần đây.
Ảnh: Xuân Lâm
“Tên là Hang Múa nhưng phong cảnh lại là núi cao, trong mắt bạn là một tầm nhìn lộng lẫy về cảnh sắc và không có cái hang nào cả” - bình luận thú vị này của một du khách nước ngoài đăng trên tạp chí du lịch càng khiến giới dịch chuyển tò mò về Hang Múa. Phong cảnh của núi non Ninh Bình từng lọt vào con mắt xanh của các nhà làm phim bom tấn thế giới trong đó có vùng Hang Múa này. 3 năm gần đây, Hang Múa luôn lọt vào danh sách 5 điểm đến đông khách và hấp dẫn nhất của Ninh Bình trên TripAdvisor - trang web chỉ dẫn du lịch nổi tiếng thế giới.
Ngọn núi Ngọa Long (còn gọi là núi Múa) hiện nay có một con đường 486 bậc đá từ chân núi lên đỉnh dành cho du khách leo lên. Bản thân dáng núi đã như rồng chầu, con đường bậc đá lại uốn lượn, hoang dã và liêu trai. Các sống núi gối vào nhau trùng điệp, lấp ló những khe núi nhìn xuống bên dưới là hồ sen, đồng lúa, các lạch nước, suối chảy và vùng đất ngập nước. Những ngọn núi đá vôi trẻ, xanh rì thảm thực vật nhiệt đới. Có chỗ núi đá vôi phong hóa (hiện tượng karst) tự nhiên thành các hình thù kỳ dị, chìm trong khói lam sẫm khiến cả vùng như một phim trường huyền ảo rộng lớn mà không có tạo hình kỹ xảo nào có thể làm được.
Vì vô vàn thích thú khi leo 486 bậc đá lên đỉnh núi, không mấy ai tìm hiểu Hang Múa thực ra nằm ở đâu. Đây là địa danh gắn liền với giai đoạn lịch sử đời vua Trần Thái Tông (1218-1277), vị hoàng đế đầu tiên của triều Trần. Khi nhà vua về Hoa Lư lập Am Thái Vi (hiện nay là Đền Thái Vi) cách bến thuyền Tam Cốc khoảng 2km để thờ tự nội tộc thì có mang theo cung tần mỹ nữ và nhà vua hay tổ chức tiệc tùng ca múa hát ở trong một cái hang dưới chân núi, nơi có thể dễ dàng ghé thuyền vào. Bên trong hang động như lòng một chiếc chuông úp nên rất thích hợp để dùng làm một nhà hát kích âm tự nhiên. Vì thế, hang này sau mới gọi là Hang Múa và thành tên gọi của cả vùng.
Tương truyền, vùng đất này được ghi chép lại ví như “thảo tú sơn liêm vô song thánh địa”, tức là vùng đất thánh thanh nhã không đâu sánh bằng với sông núi quanh co, hoa thơm cỏ lạ, cảnh như cõi tiên. Ngoài khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trên đỉnh núi Ngọa Long còn tồn tại nhiều am tháp, tượng đá mang phong cách kiến trúc đời Trần. Con đường dẫn lên núi xây dựng theo kiểu tường thành, có đoạn tường trổ cả lỗ châu mai và bệ đỡ, trông không khác thành quách cổ là mấy. Khuất trong các rặng núi là các tháp nhọn, lầu ngắm cảnh, tượng đại bàng, thú dữ im lìm trăm năm càng làm cho phong cảnh thêm hấp dẫn.
Điều thú vị là Hang Múa thường đón những du khách trẻ trung, thích khám phá thiên nhiên và hầu như không hiểu sâu xa về lịch sử nhưng khi đến đây, họ đều thích mặc những trang phục kiểu cổ trang để lên núi chụp ảnh. Lý do là trang phục cổ trang khá hợp với khung cảnh ở đây. Hàng vạn những bức ảnh du khách mặc như vũ nữ đang múa với váy áo bay bướm, sặc sỡ rất phù hợp với phong cảnh có phần hoang dã được đăng tải trên mạng xã hội trùng hợp với lịch sử vùng đất một cách không ngờ. Chỉ cần bước chân tới núi Ngọa Long, theo các dây leo bên vách đá và chân chậm rãi leo lên núi, chúng ta đã cảm thấy mình lạc vào miền đất cổ xưa với cảm xúc rêu phong, hơi hướng huyền thoại. Nhất là thỉnh thoảng, các du khách nam nữ lại hóa trang bằng trang phục cổ điển lên xuống ngược chiều, ta bất chợt cảm thấy thời gian như quay lại lịch sử, như bóng của thời kỳ trai tuấn kiệt, gái thuyền quyên vùng đất cố đô Tràng An này vẫn còn đây.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, hang Múa còn được dùng để làm một “bệnh viện dã chiến” như nhiều hang động trong lòng núi ở các vùng kháng chiến khác. Việc di tích Hang Múa nổi tiếng một phần do mạng xã hội truyền đi với tốc độ chóng mặt về một vùng “đệ nhất” để chụp ảnh đẹp. Bước vào năm 2021 - Năm Du lịch quốc gia, Ninh Bình phát động cuộc thi sáng tác ảnh du lịch nhằm quảng bá điểm đến, trong đó Hang Múa là một tiêu điểm “focus” của các nhiếp ảnh gia.
Trường Huy - nhiếp ảnh gia của Ninh Bình cho hay, anh không thể nhớ nổi mình đã leo lên ngọn núi Múa bao nhiêu lần để sáng tác. Mỗi mùa, mỗi lần leo lại tìm ra một góc ảnh thú vị. Lâu dần, anh quen đến nỗi chỉ cần nhìn thời tiết là biết bức ảnh chụp sẽ như thế nào. Anh thuộc ngọn núi đến độ thuộc cả chỗ đứng chân mình mỗi lần muốn săn khoảnh khắc đẹp. Dưới con mắt của anh, sông núi hiện lên có hình thù sống động, kỳ ảo, và chỉ cần nhìn qua ảnh của anh thôi thì ai cũng muốn phải đặt chân đến Hang Múa một lần.
Trước khi đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Ninh Bình cũng đã có nhiều động thái điều chỉnh hoạt động dịch vụ du lịch, nên các điểm đến tại đây luôn trật tự, quy củ làm hài lòng khách du lịch. Các vùng du lịch như Hang Múa hiện tranh thủ thời kỳ tạm dừng các hoạt động du lịch để chỉnh trang lại cảnh quan, dọn dẹp và tu bổ, thêm các dịch vụ, các sản phẩm du lịch trước khi bước vào mùa Thu - mùa leo núi và cũng chuẩn bị cho kế hoạch dự kiến hoạt động du lịch sẽ tái khởi động khi kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 vào nửa cuối năm nay.