Năm Du lịch Quốc gia 2021 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" là chuỗi các sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội tiêu biểu của ngành Du lịch Việt Nam, có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế. Ninh Bình tiếp tục được Chính phủ chọn là địa phương đăng cai sự kiện này.
Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Xuân Lâm
Thông qua các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia 2021, sẽ tạo cơ hội để ngành Du lịch nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng phục hồi và bứt phá sau đại dịch COVID - 19; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí (Đ/c) Phạm Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Du lịch về công tác chuẩn bị và những kỳ vọng của tỉnh vào Năm Du lịch Quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình.
Phóng viên: Năm Du lịch Quốc gia 2021 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, xin đồng chí cho biết những điểm nhấn và nội dung chính của sự kiện này?
Đ/c Phạm Duy Phong: Năm 2021, Ninh Bình tiếp tục được đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, đây là niềm vinh dự, là cơ hội để Ninh Bình quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế. Các hoạt động trọng tâm và hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2021 sẽ diễn ra trong suốt năm 2021.
Trong đó, điểm nhấn quan trọng của Năm Du lịch Quốc gia 2021 là 33 hoạt động chính diễn ra tại Ninh Bình do tỉnh Ninh Bình hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, gồm các hoạt động quảng bá, xúc tiến về Năm Du lịch Quốc gia; các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, thể thao và du lịch tiêu biểu như: Họp báo giới thiệu về Năm Du lịch Quốc gia; Lễ Khai mạc; Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"; Lễ hội chùa Bái Đính; "Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Nhất - năm 2021, Triển lãm "Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống"; Hội chợ triển lãm công nghiệp, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Bình; Triển lãm "Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống"...
Cùng với các hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình, sẽ có 103 hoạt động hưởng ứng được diễn ra tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiêu biểu như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Hà Nội; Lễ khai hội chùa Tam Chúc; Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt Trung năm 2021; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2021; Lễ hội du lịch biển Thanh Hóa; Lễ khai mạc và bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VII năm 2021: "Quảng Nam - hành trình kết nối di sản";…
Theo dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến kéo dài, có thể hết năm 2021, cùng với đó khả năng khai thác thị trường khách quốc tế đến nửa đầu năm 2022 còn rất khó khăn. Do vậy tùy vào tình hình thực tế sẽ có các phương án cụ thể để tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Theo đó, nếu dịch được ngăn chặn và kiểm soát tốt, sẽ tổ chức các hoạt động theo chương trình đề ra.
Nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát ở trong nước, nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp, sẽ xem xét điều chỉnh các nội dung cho phù hợp về thời gian và quy mô tổ chức. Còn trong trường hợp đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát và có thể diễn biến kéo dài, các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch Quốc gia được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID - 19.
Phóng viên: Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của tỉnh trong năm 2020. Vậy Ninh Bình có những kỳ vọng gì trong việc tổ chức sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2021?
Đ/c Phạm Duy Phong: Ninh Bình là tỉnh có địa hình rất đa dạng, gồm núi, đồng bằng, vùng ven biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình của nước Việt Nam thu nhỏ. Chính điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho Ninh Bình nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo để phát triển du lịch như: Quần thể danh thắng Tràng An, núi chùa Bái Đính, vườn Quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà, Cúc Phương, vùng ven biển Kim Sơn... Ninh Bình hiện có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, 2 bảo vật quốc gia.
Đặc biệt, có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam á. Kho tàng di sản văn hóa vô giá đã tạo thế và lực để Ninh Bình phát triển trở thành trung tâm du lịch của cả nước, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách tham quan du lịch đạt gần 6,3%/năm, riêng khách quốc tế đạt gần 12%/năm; doanh thu du lịch đạt trên 27%/năm.
Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, lượng khách giảm sâu hơn 70%. Ước tính cả năm du lịch Ninh Bình đón trên 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch gần 1.600 tỷ đồng, đạt trên 37% về lượt khách và 44% về doanh thu so với năm 2019.
Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 sẽ là cơ hội vàng để Ninh Bình tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến tiềm năng, thế mạnh về du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các cơ quan truyền thông, các hội chợ, hội nghị, hội thảo.
Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Bình với các địa phương trên cả nước; thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch; mở rộng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch.
Với việc tổ chức các chuỗi sự kiện du lịch lớn và hàng loạt các sự kiện bên lề sẽ thu hút đông đảo du khách về với Ninh Bình trong năm 2021 và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng, từng bước phục hồi, tạo bứt phá cho hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19.
Phóng viên: Ninh Bình đã chuẩn bị như thế nào cho Năm Du lịch Quốc gia 2021, thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Duy Phong: Nhận thức rõ việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021 là niềm vinh dự song cũng là trọng trách rất lớn, tỉnh đã sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2021. Ninh Bình đã thành lập Ban Tổ chức của tỉnh để tập trung chỉ đạo việc xây dựng nội dung chương trình; tập trung chỉnh trang đô thị, cảnh quan môi trường, phát triển hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá cho Chương trình Năm Du lịch Quốc gia.
Trong đó, về công tác đầu tư, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm phục vụ Năm Du lịch Quốc gia như: Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế; Công viên Tràng An; đường bao hào nước Khu di tích Lịch sử, Văn hóa Cố đô Hoa Lư; chỉnh trang đô thị...
Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch và các sự kiện lớn của Năm Du lịch Quốc gia 2021 đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tăng cường bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau: từ hội chợ triển lãm du lịch, đón đoàn famtrip, tuyên truyền trên website, mạng xã hội, ấn phẩm, tài liệu, biển quảng bá tấm lớn, đặc biệt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương.
Tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lao động làm việc tại cơ sở, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Phối hợp với Trường Cao đẳng Thương mại-Du lịch Hà Nội tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn, bar và vận hành lưu trú tại nhà dân cho 130 học viên. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức định kỳ năm 2020 cho 19 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Ban Quản lý danh thắng Tràng An tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho 370 người dân làm dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức các hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2021. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có và công tác chuẩn bị chu đáo của tỉnh cùng sự quan tâm, chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp nhiệt tình của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tin tưởng rằng Năm Du lịch Quốc gia 2021 với chủ đề: "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" sẽ thành công, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè trong nước và quốc tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!