Đền Nguyễn Công Trứ có tên là Truy Tư Từ thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - người có công khai sinh lập ra huyện Kim Sơn năm 1829 ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Đền Nguyễn Công Trứ có nhiều nét độc đáo mà ít đền thờ trong cả nước có được: Đây là đền thờ làm từ một ngôi nhà do chính Nguyễn Công Trứ xây dựng nên và đã ở đó một thời gian; Đền thờ được xây dựng từ khi Nguyễn Công Trứ còn sống; Tại đây những người không theo tôn giáo nào, những người theo Phật giáo hay Công giáo đều đến tế lễ.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là người học giỏi, thông minh nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương). Ông là người văn võ song toàn, cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ là một trong hai thi sĩ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt công lao lớn nhất của ông là khai khẩn ruộng đất, chiêu mộ dân lưu vong lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).
Công lao của Nguyễn Công Trứ với nhân dân huyện Kim Sơn là rất lớn, nhân dân huyện Kim Sơn đã làm đền thờ ông ở xã Quang Thiện đó là đền thờ sống gọi là Sinh Từ. Cho tới năm 1858, sau khi Nguyễn Công Trứ mất, nhân dân huyện Kim Sơn xây dựng thêm Tiền đường, Sinh Từ trở thành Chính cung và từ đó Sinh Từ cũng được đổi tên là Truy Tư Từ.
Từ khi Nguyễn Công Trứ mất, hằng năm cứ đến 14/11 âm lịch (ngày ông mất), nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức tế lễ Nguyễn Công Trứ ở Truy Tư Từ để tưởng nhớ công lao to lớn của Nguyễn Công Trứ.
Đền Nguyễn Công Trứ đã được Bổ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 22 tháng 01 năm 1992.