Các điểm tham quan

Chùa Bà Đanh – Núi Ngọc

Cập nhật: 23/07/2025
Chùa Bà Đanh nằm nép mình dưới chân núi Ngọc – ngọn núi quanh năm cây cối xanh tươi, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình. Phía Đông đối diện là cụm di tích Đền Trúc – Ngũ Động Sơn, tạo thành một quần thể văn hóa – tâm linh tiêu biểu của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Chùa Bà Đanh, còn gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, là nơi thờ Pháp Phong – một tín ngưỡng bản địa gắn liền với truyền thuyết linh thiêng. Tương truyền rằng, xưa kia vùng này thường xuyên gặp mưa gió lớn khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Một ngày kia, một cụ già trong làng được báo mộng bởi một người con gái xinh đẹp, đoan trang, phúc hậu, tự xưng là được thần cho về để giúp dân làm ăn, khai phá. Dân làng bèn dựng chùa thờ bà, chọn vạt rừng rậm rạp đầu làng, sát bờ sông với một hòn núi nhỏ nhô ra mặt nước làm nơi linh thiêng lập chùa.

Ban đầu, chùa được dựng bằng tranh tre, đơn sơ, nhưng đến thời Vĩnh Trị (1676–1680) dưới triều Lê Hy Tông, dân làng đã mở mang khu rừng và xây dựng một ngôi chùa khang trang, tôn nghiêm. Kể từ đó, nơi đây trở thành vùng đất linh ứng, là chốn gửi gắm niềm tin của người dân bản địa và du khách thập phương. Một trong những truyền thuyết kỳ lạ kể lại rằng, khi một cây mít cổ cạnh chùa bị gió quật đổ, dân làng lấy gỗ tạc tượng thờ. Một nghệ nhân đi qua, tự nhận là người tạc tượng được báo mộng, đã khắc nên pho tượng có dung nhan giống hệt người con gái trong mộng. Khi đặt tượng lên chiếc ngai gỗ quý – vật lạ trôi dạt vào bến sông trước chùa – thì hoàn toàn vừa vặn. Từ đó, vùng đất trở nên mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm. Tiếng đồn về sự linh thiêng của Thánh Bà lan xa, thu hút khách thập phương đến dâng hương, cầu bình an, nhất là những người làm nghề sông nước khi xuôi ngược qua đây.

Chùa Bà Đanh quay mặt hướng Nam, nhìn ra dòng Đáy thơ mộng, được xây dựng với quy mô tổng thể hài hòa giữa các hạng mục: tam quan, dải vũ, các gian thờ, nhà khách, nhà tăng với gần 40 gian lớn nhỏ cùng hệ thống nhà cầu kết nối chặt chẽ. Ngoài ra, còn có phủ thờ Mẫu nằm về phía Đông khuôn viên chùa. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng các công trình hiện tại, chủ yếu được xây dựng từ thế kỷ XIX trở lại, vẫn giữ được vẻ cổ kính, thanh tịnh vốn có.

Cách chùa khoảng 100m về phía Tây là núi Ngọc – ngọn núi đá vôi biệt lập, nằm tách khỏi dãy núi chính bởi dòng sông Đáy. Thảm thực vật nơi đây phong phú và hoang sơ, với nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là cây si nghìn năm tuổi – chứng nhân trầm mặc của bao biến thiên lịch sử. Dưới chân núi là đền thờ Thần Núi, nơi lưu giữ tín ngưỡng bản địa lâu đời, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.

Chùa Bà Đanh – Núi Ngọc không chỉ là điểm đến tâm linh linh thiêng mà còn là di tích có giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan đặc sắc. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên tươi đẹp và công trình kiến trúc tâm linh cổ kính đã tạo nên một không gian thanh tịnh, nên thơ. Trải qua bao thăng trầm thời gian, nơi đây vẫn giữ trọn vẹn vẻ đẹp trầm mặc và linh thiêng, xứng đáng là một danh lam cổ tích quý giá, góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch văn hóa – tâm linh của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nguồn: Nguyễn Loan
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp