Tin nổi bật

Hội thảo: “Đưa công nghiệp văn hoá thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”

Cập nhật: 09/05/2025
Ngày 09/5/2025 tại khách sạn Hoàng Sơn Peace, thành phố Hoa Lư, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đưa công nghiệp văn hoá thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các đồng chí: Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; Nguyễn Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Cao Sơn – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Đinh Văn Tiên – UV BTVTU, Bí thư thành phố Hoa Lư; Bùi Văn Mạnh – TUV, Giám đốc Sở Du lịch.

Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành; phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…

Trong những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực với tốc độ tăng trưởng vượt bậc qua từng năm. Năm 2024, Ninh Bình đón khoảng 8,7 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng 221% so với năm trước. Doanh thu du lịch năm ước đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023 và tăng 148% so với năm 2019 (năm cao nhất trước đại dịch COVID-19). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ước đón 5,6 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt trên 6.056 tỷ đồng, tăng 31%.

Ông Nguyễn Cao Sơn – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo

Ninh Bình được vinh danh ở nhiều bình chọn quốc tế danh tiếng như “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông" do tạp chí Forbes bình chọn, Quần thể danh thắng Tràng An được Kotler Award bình chọn là "điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới”.

Ninh Bình cũng được ghi nhận với sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, bao gồm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử – văn hoá, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ từ các tuyến giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú. Trung tâm dịch vụ du lịch được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Hội thảo: “Đưa công nghiệp văn hoá thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” chia làm 2 phần: phần I: Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch; phần II: Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch với 2 talkshow: Di sản văn hóa, thiên nhiên - Chìa khóa định vị Công nghiệp văn hóa Ninh Bình và Hiện thực hóa mục tiêu đón 3 triệu khách quốc tế và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Các đại biểu dự Hội thảo đã được nghe báo cáo đề dẫn: Chiến lược phát triển du lịch dựa trên vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa, nghệ thuật của Ninh Bình cùng nhiều ý kiến tham luận như: Vị thế của Ninh Bình trong tứ giác của đồng bằng sông Hồng, thành điểm đến hàng đầu Việt Nam; Phát triển du lịch Ninh Bình dựa trên thế mạnh của điểm Di sản được UNESCO công nhận, đồng thời phải bảo vệ di sản, tôn trọng "mẹ thiên nhiên"; Xu thế thu hút quảng bá du lịch, thu hút du khách thông qua công nghiệp văn hoá trên thế giới và Việt Nam, giải pháp lồng ghép công nghiệp văn hoá vào phát triển du lịch tại Ninh Bình; Đẩy mạnh công nghiệp văn hóa từ du lịch văn hóa và trải nghiệm dựa trên các trụ cột: Di sản văn hóa - Nghệ thuật dân gian - Ẩm thực - Làng nghề…

Các đại biểu chủ trì tại Talkshow

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao, đạt được những thành tựu mới, cần một “cú hích”, một đòn bẩy chiến lược - và đó chính là công nghiệp văn hóa. Các đại biểu đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều ý tưởng hay, giải pháp hiệu quả, sáng kiến độc đáo về phát triển công nghiệp văn hoá song hành cùng du lịch, các đại biểu cũng nhấn mạnh, công nghiệp văn hoá không chỉ là nguồn lực mềm góp phần tạo nên sự khác biệt, mà còn là nền tảng bền vững giúp du lịch Ninh Bình phát triển theo chiều sâu, nâng cao trải nghiệm du khách, mở rộng thị trường quốc tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Ninh Bình đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định du lịch và công nghiệp văn hóa là hai lĩnh vực trọng tâm, tạo động lực lan tỏa cho các ngành khác. Đây là dịp để cùng nhìn lại chặng đường phát triển du lịch, đánh giá tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả giá trị di sản, thiên nhiên, đưa du lịch-công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững.

Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hoá, đồng thời cụ thể hoá chiến lược phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch văn hoá mang tầm quốc gia và quốc tế./.

Nguồn: Nguyễn Loan
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp