Thuyết Minh Ảo

Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng

Cập nhật: 13/01/2023
Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng nằm cạnh chùa Kỳ Lân, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cách thành phố Ninh Bình khoảng 18km, cách thị trấn Me khoảng 5km.

Đinh Tiên Hoàng vốn họ Đinh, tên Hoàn. Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lãm phong cho, nên còn gọi là Đinh Bộ Lĩnh. Ông sinh năm 924, quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), ông là con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ và bà Đàm Thị.

Cha mất sớm, ông theo mẹ là Đàm Thị về quê nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự. Hàng ngày, lúc chăn trâu, ông thường cùng trẻ chăn trâu chia phe tập trận. Ông có tài chỉ huy nên được bọn trẻ mến phục. Chúng khoanh tay làm kiệu để rước và cầm lau đi hai bên như "Rước thiên tử".

Lớn lên, ông đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Lãm. Do dũng cảm, mưu lược nên được phong làm Bộ Lĩnh. Trần Lãm chết, ông đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương chống giặc Ngô và các sứ quân khác.

Năm 965, Triều đình phong kiến suy yếu, các sứ quan phong kiến nổi dậy đánh chiếm, tranh giành đất đai, bóc lột nhân dân. Sử gọi là loạn 12 sứ quân. Đây là một giai đoạn nội chiến diễn ra vào cuối thời nhà Ngô sau khi Ngô Quyền mất. Nhờ "tài năng sáng suốt hơn người, mưu lược nhất đời" lại được nhân dân ủng hộ chỉ một năm Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp tan loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.

Năm Mậu Thìn (968) ông mở nước, dựng đô xưng làm hoàng đế - Tôn hiệu là Đại Thắng Minh và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đến năm Canh Ngọ (970) ông bắt đầu đặt hiệu nước là "Thái Bình" và cho đúc tiền đồng "Thái Bình" – tiền cổ nhất nước ta. Nhờ công lao của ông mà đất nước được thống nhất độc lập và giàu mạnh.

Đinh Tiên Hoàng ở ngôi được 12 năm (968 – 979) ông mất năm Kỷ Mão (979) thọ 56 tuổi.

Ngày nay ở Hoa Lư - Ninh Bình và nhiều nơi khác, nhân dân ta lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông. Nhiều trường học, đường phố được vinh dự mang tên ông – Đinh Tiên Hoàng.

 Lăng phát tích Vua Đinh Tiên Hoàng nằm cạnh chùa Kỳ Lân. Chùa Kỳ Lân còn gọi là chùa Hang ở trong hang núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Đại Nham). Một trái núi lớn ở phía Tây Nam xã Gia Phương, huyện Gia Viễn có hình giống như một con kỳ lân nên gọi là núi Kỳ Lân. Tương truyền, ông Đinh Công Trứ, thân phụ của Đinh Tiên Hoàng thấy cảnh đẹp đã mang mộ của ông nội nhà vua an táng tại ngai này: Sau này thày địa lý nói rằng:

Hiểm sơn phản bối

Hữu thuỷ vô chung

Hiểm sơn chiết cước

Bán thế nhi vong

Vì thấy rằng: Tuy địa thế thì đẹp nhưng chân núi dốc quá vì vậy nước chảy bào mòn nhiều, nên có câu ca trên.

Tạm dịch: Núi thì hiểm (nhưng) phía sau có phản lại (vì phía sau lưng núi có một núi nhỏ ở phía Tây Bắc lại ngoảnh đi hướng khác, không quay về chầu), có mở đầu song không có kết thúc. Núi thì hiểm song chân núi lại bào mòn, nửa đời thì mất.

Trước đây, trong ngai có xây dựng lăng phát tích, song lâu ngày mưa gió làm hư hại. Đến năm 2009, Nhân dân đã xây dựng lại lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng. Phía dưới chân núi có sập đá để thờ bằng đá nguyên khối chạm khắc nổi hình rồng mây, phía sau là đôi trụ cột đèn và nhang án bằng đá xanh nguyên khối cũng chạm khắc nổi hình rồng mây, hoa sen. Tiếp đến du khách đi qua một khoảng sân và leo lên khoảng 50 bậc đá chia làm 5 nhịp đều nhau. Dọc đường lên lăng là hai hàng cây Đại, theo quan điểm của Phật Giáo, cây Đại là một trong những loài cây cao quý và là cây hội tụ nhiều linh hồn của đất trời. Theo ý nghĩa dân gian, hoa Đại có khả năng hút sinh khí từ trời chuyển xuống đất và nước để mang tới một cuộc sống viên mãn và tạo nên nguồn sống mãnh liệt nhất. Đặc điểm của loài cây này là thân trụi lá và có hoa ra thành chùm có màu trắng hoặc màu hồng. Hoa mọc ở trên cao mang tượng trưng cho vẻ đẹp thoát tục. Chính điều này nên cây Đại đã được lựa chọn trồng dọc hai bên đường lên lăng mộ phát tích vua Đinh Tiên Hoàng.

Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng hai tầng tám mái, mỗi đầu mái được đắp nổi hình rồng, lợp bằng ngói vảy.

Bên trong lăng có sập đá được chạm khắc nổi hình rồng, phượng, hoa sen để đặt đồ lễ thờ. Bên trên sập đá còn có đôi lộc bình đặt trên đế bằng đá. Sau sập đá là nhang án bằng đá chạm khắc cầu kỳ, sau đó là tấm bia lớn cao khoảng 2m, phía trên bia chạm đôi rồng chầu nguyệt, ở giữa bia khắc chữ Hán và chữ Việt “Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng đế”. Bên dưới chân bia đặt chóe đựng rượu và nước để thờ.

Lăng được xây dựng 3 gian, 4 hàng cột, hàng cột phía trước có treo đôi câu đối

Thủy cao sinh dưỡng vạn phúc lai

Sơn cao đức đại linh song mộ

Hàng cột phía sau có câu đối

Phụng sự dòng tộc

Hưng thịnh quốc gia.

Lăng phát tích vua Đinh Tiên Hoàng thuộc quần thể di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, đây là di tích lịch sử gắn liền với truyền thuyết vua Đinh Tiên Hoàng, việc bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử, các truyền thuyết của những người có công lập quốc góp phần giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống gìn giữ bảo vệ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương./.

Nguồn: Nguyễn Loan - Phạm Giang; Ảnh: Hồng Hạnh
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 1 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem tiếp