Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hoa Lư đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Nhờ vậy, nơi đây đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho kết quả rất đáng ghi nhận.
Mô hình trồng sen, thả cá kết hợp phục vụ du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Nhiều mô hình hiệu quả
Dù đã gần trưa, dưới sức nóng 35 - 36 độ nhưng vẫn còn khá đông khách du lịch say sưa chụp ảnh tại đầm sen HaLi. Ô tô du lịch, xe máy xếp hàng dài trên bờ đầm. Trong lúc đợi mấy người bạn chụp ảnh dưới đầm, anh Văn Minh, một khách du lịch chia sẻ: Cả hai vợ chồng đều quê ở thành phố Tam Điệp nay về chơi, gia đình mấy người bạn hẹn nhau đi du lịch chụp ảnh vì mùa sen đang vào độ rất đẹp.
Những dịp cuối tuần, ngày lễ, thời tiết đẹp, đầm sen là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch gần xa. Được biết, hiện tại giá vé vào đầm sen khoảng 30 nghìn/người (chỉ tính người lớn), tiền thuê trang phục: áo dài và nón từ 50.000 - 80.000 đồng/bộ, áo yếm và giỏ là 70.000 đồng/bộ, phí thuê thợ chụp ảnh khoảng 200 - 250 nghìn/người, nếu sửa chỉnh ảnh theo yêu cầu khoảng 10.000 đồng/kiểu, chưa kể một số dịch vụ khác, như bán nước chè, giải khát, sinh tố... Theo đại diện chủ đầm sen Hali: vào dịp cuối tuần, khách du lịch đông hơn, đầm phải sắp xếp phù hợp để đảm bảo không tập trung đông người, phòng chống dịch COVID-19..
Giám đốc HTX nông nghiệp xã Ninh Thắng, ông Nguyễn Thế Phong, chia sẻ: Các khu đầm sen có được là nhờ các hộ, nhóm hộ hoặc công ty đứng lên ký kết thuê mượn, tiến hành đầu tư trên phần đất trũng, ruộng xấu cấy lúa kém hiệu quả của các xã viên. Hiện tại, ở Ninh Thắng có tổng diện tích gần 14 ha trồng sen giống mới phục vụ nhu cầu dịch vụ du lịch.
Cụ thể như tại cánh đồng Triều Sau, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Ninh Thắng đầu tư trồng cấy 7 ha đầm sen các loại. Cánh đồng Cửa Đình, chủ hộ Lê Thị Mười đầu tư khu đầm 2 ha. Cánh đồng Bòng, Bảy Đỗi chủ hộ Lê Thị Tuyết và 4 hộ khác đầu tư vài ha đầm…
Gần 3 năm nay, một năm mấy vụ, các đầm sen trên địa bàn đã cho thu hoạch từ việc phục vụ dịch vụ du lịch, ước tính giá trị kinh tế cao hơn 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Chị Lê Thị Mười, chủ đầm sen ở cánh đồng Cửa Đình cho hay: Tình hình dịch COVID- 19 ảnh hưởng mạnh, nên vụ này, lượng khách giảm rõ rệt. Vụ sen năm trước, khách du lịch từ nhiều nơi về Ninh Bình. Năm nay, chủ yếu là khách du lịch trong tỉnh và số ít khách ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, mỗi ngày, hộ chị Mười cũng có 40 - 50 khách mua vé vào đầm. Kết thúc mùa sen, tận dụng mặt nước, gia đình lại chuyển sang thả cá gối vụ, thu hoạch dịp cuối năm.
Phát huy lợi thế từ nông nghiệp du lịch
Hoa Lư là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Thực hiện Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hướng tới nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ngay từ cuối năm 2019, UBND huyện Hoa Lư đã giao cho phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện tiến hành khảo sát, lựa chọn vùng việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả tại xã vùng núi của huyện sang trồng cây và nuôi trồng các con nuôi đặc sản gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, phát huy thế mạnh của địa phương.
Đồng chí Phạm Thái Thạch, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Để đảm bảo lịch sản xuất nông nghiệp cho cả năm, ngay từ đầu vụ đông xuân, huyện đã chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 02- NQ/HU yêu cầu ở cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành và các HTX tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp. Như, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ. Cụ thể như tổ chức lịch sản xuất thời vụ, để có cánh đồng lúa chín vàng, nhiều đầm sen thơm ngát chờ đón sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2021 tổ chức tại Ninh Bình.
Ghi nhận tại các địa bàn có mô hình trồng sen Nhật, thả cá kết hợp làm du lịch cho thấy, đến nay sau gần 3 năm triển khai thực hiện, giống sen phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng. Một năm, sen ra hoa 3 vụ, từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm - đây là thời điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và góp phần thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
Theo thống kê, mô hình trồng sen Nhật, nhiều giống sen kết hợp du lịch sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sen cho năng suất hạt trung bình đạt 3,6 tấn/ha. Sen cho thu hoa trung bình gần 31 nghìn bông/ha/năm. Và sen cho củ, trung bình 4,2 tấn/ha/năm. Ngoài ra, sen còn cho thu các sản phẩm khác như lá sen, ngó sen, trà sen…. Thu nhập ước tính từ trồng sen, thả cá đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể nguồn thu từ dịch vụ câu cá giải trí, nghỉ dưỡng ở nhiều hộ có đầm, kết hợp mô hình homestay…
Trước những thành công ban đầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai, bảo vệ mô hình sen Nhật, sen giống mới kết hợp với nuôi cá với quy mô trên 50 ha tại các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Mỹ và Trường Yên để phục vụ du lịch, dịch vụ.
Mùa Sen ở Hoa Lư đang vào độ đẹp nhất. Với nhiều giống sen được trồng gối vụ, sen nở hoa còn kéo dài đến hết tháng 11. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều đầm sen trên địa bàn huyện Hoa Lư nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng được cộng đồng mạng, khách du lịch nhắc đến sau mỗi dịp về với Ninh Bình.