10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Tràng An được đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về việc kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững, mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Sự nhất quán, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, người dân, tới khách du lịch là yếu tố then chốt gìn giữ sự hấp dẫn của di sản. Đó là những đánh giá được các chuyên gia UNESCO nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại Ninh Bình những ngày vừa qua.
Đoàn đại biểu UNESCO tham quan Phố cổ Hoa Lư về đêm
Sau Tràng An, Bái Đính, đoàn đại biểu UNESCO đã có chuyến trải nghiệm không gian Phố cổ Hoa Lư về đêm - một sản phẩm du lịch mới độc đáo của Ninh Bình. Ghé thăm các gian trưng bày những sản phẩm làng nghề truyền thống như: gốm, tranh thêu. Du ngoạn thuyền trên lòng hồ Kỳ Lân và thưởng thức ẩm thực, đoàn có cảm nhận ấn tượng, sâu sắc hơn về vẻ đẹp của du lịch Ninh Bình cùng những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Đoàn đại biểu UNESCO du ngoạn thuyền trên hồ Kỳ Lân
Trong quá trình tham quan các điểm đến, các đại biểu cũng đã lắng nghe câu chuyện làm du lịch của cư dân địa phương tham gia hoạt động dịch vụ, như: lái đò, hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm, bảo vệ... Họ sống trong di sản, hưởng lợi từ du lịch và là chủ thể, nhân vật chính trong câu chuyện bảo vệ môi trường, bảo vệ sự nguyên vẹn, tính bền vững cho di sản thế giới hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á. Đây chính là cách giúp các đại biểu có những nhìn nhận khách quan, chính xác hơn để tiếp tục đóng góp ý kiến giúp UNESCO đưa ra những khuyến nghị chung cho các nước thành viên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới một cách bền vững.
Sau 10 năm được ghi danh, Tràng An trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của thế giới. Đặc biệt, việc triển khai Đề án "Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể Danh thắng Tràng An" mới đây, khi có kết quả sẽ được công bố quốc tế về mặt khoa học và từ đó tạo cơ sở để UNESCO kết nối các tổ chức quốc tế có uy tín, cùng công bố giá trị tổng thể của Di sản theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Chuyến tham quan và làm việc đã giúp đoàn đại biểu có cảm nhận sâu sắc hơn về sự đón tiếp nồng hậu của Ninh Bình; tinh thần lạc quan, hạnh phúc, niềm tự hào về di sản thế giới của những người làm du lịch, cùng các dịch vụ lưu trú, món ăn cũng rất thú vị, độc đáo... đúng như thương hiệu mà Ninh Bình đã được ghi nhận là “điểm đến cuốn hút nhất thế giới”./.