Ninh Bình nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là cửa ngõ vào các tỉnh phía Nam, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những danh thắng thiên nhiên hùng vĩ như Tràng An, Tam Cốc – Bích Động hay chùa Bái Đính, mà còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Một trong những yếu tố góp phần làm nên nét độc đáo trong hành trình khám phá Ninh Bình của du khách chính là các làng nghề thủ công truyền thống. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những tinh hoa của cha ông mà còn đang từng bước trở thành điểm đến trải nghiệm hấp dẫn, đóng góp tích cực vào phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững.
Tại Ninh Bình, nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với đời sống người dân địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến làng thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư), làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (thành phố Hoa Lư), làng gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan), làng rượu Kim Sơn, làng Sinh Dược (huyện Gia Viễn), gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô)… Mỗi làng nghề là một kho tàng văn hóa, một câu chuyện lịch sử được truyền lại qua nhiều thế hệ, thể hiện sự khéo léo, tinh tế và óc sáng tạo của người thợ.

Một trong những xu hướng phát triển du lịch hiện nay là du lịch trải nghiệm – nơi du khách không chỉ tham quan, chụp ảnh mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động bản địa. Nhận thấy tiềm năng từ các làng nghề, ngành du lịch Ninh Bình đã từng bước kết nối các điểm tham quan sinh thái – văn hóa với làng nghề truyền thống, tạo nên những tour du lịch trải nghiệm đầy cuốn hút.
Tại làng thêu Văn Lâm, du khách có thể tận tay thử thêu những đường kim mũi chỉ trên nền vải, được nghệ nhân hướng dẫn tỉ mỉ và kể lại những câu chuyện thú vị về nghề. Ở làng đá Ninh Vân, khách có thể xem tận mắt quy trình chọn đá, đục đẽo, mài giũa để tạo thành các tác phẩm nghệ thuật kỳ công. Đến làng Sinh Dược, du khách được tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất ra các sản phẩm từ thảo dược như: xà bông Sinh dược, muối ngâm chân thảo dược, tinh dầu, dầu gội đầu,….

Sự kết hợp giữa làng nghề và du lịch không chỉ tạo ra giá trị văn hóa mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhiều hộ dân làng nghề có thêm thu nhập nhờ bán sản phẩm thủ công, mở xưởng trải nghiệm, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho du khách. Bên cạnh đó, việc thu hút khách du lịch đến với làng nghề cũng góp phần giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản phi vật thể vốn đang dần mai một bởi sự phát triển của công nghiệp và hiện đại hóa.
Làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa, mà đã và đang trở thành không gian văn hóa sống động, nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Nhờ đó, mỗi chuyến đi đến Ninh Bình không chỉ là hành trình thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là dịp để du khách “sống chậm” và kết nối sâu sắc hơn với văn hóa bản địa. Với sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền, cộng đồng và ngành du lịch, chắc chắn làng nghề Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy vai trò, góp phần xây dựng một hình ảnh Ninh Bình giàu bản sắc, thân thiện và hấp dẫn trong lòng du khách trong nước và quốc tế.