Hội nghị định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận

Cập nhật: 12/11/2024
Sáng ngày 12/11/2024, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận tại Khách sạn Hoàng Sơn Peace, thành phố Ninh Bình.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch; PGS.TS Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN; Nguyễn Đức Thiện, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế và hỗ trợ vùng dân tộc; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia; GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia, thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới; Đại diện Ban tư vấn khoa học về quản lý, bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về nhà Trần, về quy hoạch, bảo tồn di tích, phát triển du lịch bền vững; Nhóm chuyên gia xây dựng Quy hoạch bảo tồn; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND 12 xã trong khu Di sản; Hiệp hội Du lịch tỉnh; Hội Khoa học Lịch sử tỉnh; Hội Di sản Văn hóa tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các phóng viên thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận được tổ chức nhằm thảo luận về không gian quy hoạch vùng đệm và phụ cận để bảo vệ và giảm áp lực cho các di tích thời Trần; thảo luận các chiến lược, phương pháp bảo tồn và phát huy các di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, nêu bật vai trò, ý nghĩa của Hành cung Vũ Lâm thời Trần trong lịch sử dân tộc và xác định tầm nhìn, nguyên tắc định hướng đưa vào nội dung đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị các chuyên gia đã báo cáo định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận, các nội dung chính trong lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tầm quan trọng, nguyên tắc bảo tồn và giải pháp thiết lập khu vực, phân vùng quản lý xây dựng xung quanh các di tích thời Trần; Vai trò các di tích lịch sử văn hóa thời Trần trong không gian văn hóa Cố đô Hoa Lư gắn với phát triển du lịch bền vững; Ứng dụng công nghệ số hóa di tích, thực tế áo và xây dựng hệ thống quản lý thông minh gắn với phục dựng, phỏng dựng các di tích và không gian văn hóa thời Trần tại Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận.

Ông Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Hệ thống di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và vùng phụ cận rất phong phú, đa dạng với 7 di tích khảo cổ có chứa những dấu tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm; 2 phế tích tháp Phật giáo thời Trần, cùng khoảng 40 di tích thờ tự có truyền thuyết, sự tích hoặc nhân vật được thờ liên quan đến thời Trần. Hành cung Vũ Lâm có giá trị lịch sử văn hóa rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc, nơi đây gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt và sự kiện xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông dưới triều Trần.

Hành cung Vũ Lâm thời Trần là một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới Quần thể danh thắng Tràng An. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động là hệ thống di tích thời Trần trong Quần thể danh thắng Tràng An chưa được quan tâm đúng mức. Sự xuống cấp của các di tích do tác động của thời gian ngày càng gia tăng, khai thác các giá trị của các di tích này trong phát triển du lịch chưa thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng, việc này đòi hỏi chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ, phù hợp và mang tính bền vững để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của các di tích này.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã tập trung thảo luận đưa ra các ý kiến góp ý định hướng quy hoạch và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Hành cung Vũ Lâm thời Trần tại Quần thể danh thắng Tràng An. Theo đó, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận phải thống nhất với Quy hoạch chung Quần thể danh thắng Tràng An; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sử dụng khảo cổ học làm mũi nhọn nhằm làm rõ hơn những giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng của nhóm di tích gốc trong không gian Hành cung Vũ Lâm; Đẩy nhanh thủ tục công nhận các điểm Vườn Am, Nền Triều Cũ và Chùa – Tháp Tiên Long là Di tích khảo cổ cấp Tỉnh, đây là căn cứ quan trọng tạo hành lang pháp lý thiết yếu để có thể triển khai công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Kết hợp trưng bày những tư liệu khảo cổ (tư liệu gốc) với khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể đậm đặc ở khu vực này vào diễn giải di tích; Thiết kế tuyến du lịch tham quan hệ thống di tích liên quan đến Hành cung Vũ Lâm thời Trần trong tổng thể dịch vụ du lịch Quần thể danh thắng Tràng An. Định vị thương hiệu và xây dựng sản phẩm du lịch liên quan đến lĩnh vực này.

Hệ thống di tích thời Trần trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, đặc biệt là các di tích Nền Triều Cũ và Vườn Am thuộc Hành cung Vũ Lâm thời Trần là một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quan trọng. Công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Trần sẽ tạo thêm điểm nhấn quan trọng trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An phục vụ khai thác du lịch, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và của cả nước./.

Nguồn: Nguyễn Loan