“Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục. Mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao”
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp).
Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày trọng lễ trong dịp tháng 7 âm lịch hằng năm. Đây là dịp để mỗi người suy ngẫm về truyền thống hiếu nghĩa, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ; trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.
Hàng năm vào mùa lễ Vu Lan, chùa Bái Đính tổ chức “Pháp hội Vu lan báo hiếu” tạo cơ hội cho các Phật tử và du khách gần xa có dịp về chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Cũng là dịp để thế hệ sau nhớ về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình an cho chúng sinh và vạn loài, là truyền thống tri ân và báo ân của dân tộc với đạo lý ngàn đời "uống nước nhớ nguồn".
Dù già hay trẻ, trai hay gái khi dự lễ Vu Lan đều thành kính và tràn ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ. Người không còn cha mẹ cài bông hoa trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành.
“Pháp hội Vu lan báo hiếu” mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, lễ Vu lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu Lan!