"Ai là con cháu Rồng tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về".
Hàng năm cứ vào dịp tháng Ba âm lịch, nhân dân Trường Yên lại nô nức chuẩn bị Lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức hai vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ mùng 9 đến 11 tháng 3 âm lịch, gắn với sự kiện ngày vua Đinh đăng quang lên ngôi mùng 10 tháng 3 năm 968. Cho nên lễ hội có rất nhiều nghi lễ và hoạt động gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng:
Lễ mở cửa đền: Trước ngày lễ hội nhân dân tổ chức Lễ mở cửa đền để cúng tế thần linh và hai vua xin được tổ chức Lễ hội.
Lễ Rước nước: Từ đền thờ vua Đinh đoàn rước nước tiến ra sông Hoàng Long là nơi gắn liền với truyền thuyết Rồng vàng nổi lên đưa Bộ Lĩnh qua sông. Sau khi tế thần linh ở bến sông, nước được lấy vào Chóe rước về đền thờ vua Đinh phục vụ cho việc tế lễ.
Lễ mộc dục: Nước ở bến sông Hoàng Long trong Lễ rước nước sau khi tế lễ được dùng để bao sái tượng thờ. Đây là một công việc trong công tác chuẩn bị nhưng lại được thực hiện trong ngày hội chính vì việc bao sái tượng phải vào giờ phút linh thiêng nhất và dùng nước tinh khiết ở bến sông Hoàng Long.
Lễ dâng hương: Được diễn ra ngay sau khi hoàn thành Lễ mộc dục để bách gia trăm họ cùng kính lễ với đức tiên đế trong giờ phút linh thiêng của ngày khai hội.
Lễ tế: Bao gồm : Tế ca cửu khúc và Tế nữ quan. Lễ tế đước tổ chức nhằm tưởng nhớ đến môn nghệ thuật hát được vua Đinh yêu thích, cũng là cách nhân dân ta ôn lại lịch sử và công lao của đức vua qua hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian.
Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi dân gian: Tục hèm – Cờ lau tập trận; Kéo chữ Thái Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh đã được tái hiện qua hai nội dung có tính chất tiêu biểu, thuộc hai giai đoạn: tuổi ấu thơ ( tập trận cờ lau) và đến giai đoạn bình định sơn hà ( kéo chữ Thái Bình)
Tục hèm – Cờ lau tập trận: Là một tiết mục diễn xướng gợi nhớ về thời niên thiếu của vua Đinh. Tuổi ấu thơ chăn Trâu cùng đám bạn chơi trò trận giả, nhờ đó mà đúc rút kinh nghiệm để chiến thắng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế.
Kéo chữ Thái BìnH: Năm 970 vua Đinh lấy niên hiệu là Thái Bình với mong ước nhân dân được hưởng cảnh thái bình, ấm no, hạnh phúc. Kéo chữ Thái Bình là một tiết mục đặc sắc mang đậm tính chất sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng. Đây là trò diễn nghi thức trò chơi dân gian. Đội quân kéo chữ gồm 50-60 người mặc đồng phục dàn thành chữ Thái Bình.
Một số hội thi: Thi bơi chải; Đấu vật tưởng nhớ đến việc vua Đinh tuyển chọn quân đội và luyện tập thủy quân. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như: Thi đấu cờ tướng, chọi gà, nấu ăn… góp phần tạo nên không khí vui nhộn, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.
Giá trị lịch sử của Lễ hội Hoa Lư thể hiện qua việc tái hiện lại cuộc đời sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng, từ thuở thiếu thời nuôi chí lớn cờ lau tập trận đến khi dựng cờ khởi nghĩa bình thập nhị sứ quân, xưng Đế gây nền độc lập, đặt nền móng xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền để ngày ấy Đại Cồ Việt sánh ngang Bắc Tống. Các nghi lễ trong Lễ hội đã thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” lòng biết ơn sâu sắc của dân tộc ta.
Giá trị văn hóa của lễ hội là một nghi lễ chung của cộng đồng, một nghi lễ hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa được thể hiện thông qua sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật ngôn từ…. mang tính cố kết cộng đồng có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần và đem lại những giá trị tích cực cho mỗi người dân và niềm tự hào của người dân vùng cố đô Hoa Lư. Những giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Hoa Lư là nguồn sử liệu quan trọng góp phần làm rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, khẳng định bản lĩnh dân tộc Việt Nam./.