Vài nét về tiểu sử Bảng nhãn Vũ Duy Thanh
Vũ Duy Thanh sinh ngày 9 tháng 10 năm 1807. Ông có tư chất cực kỳ thông minh, nổi tiếng là thần đồng ngay từ nhỏ. Hồi còn nhỏ, Vũ Duy Thanh đã luôn tìm tòi cách học tập sao cho tốt nhất, ông căm ghét những tên quan lại hà hiếp nhân dân. Mặt khác ông luôn nghĩ tới cuộc sống vất vả của nhân dân, mong muốn sau này làm việc có ích cho nước, cho dân.
Năm Tự Đức thứ 4 (1851), ông đỗ Phó bảng trong kỳ thi Hội, khi ấy ông 44 tuổi. Mùa hè năm ấy (1851), Vũ Duy Thanh lại đỗ “Đệ nhất giáp cát sĩ cập đệ nhị danh” (tức Bảng nhãn). Vì lệ thi cử nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên, chỉ có Bảng nhãn là cao nhất, bởi vậy ông còn được coi là Trạng, và được gọi là Trạng Bồng.
Sau đó, ông được bổ làm Thị độc trong Hàn lâm viện, sau được đổi qua Viện Tập hiền, làm Quốc tử giám Tư nghiệp, rồi thăng Tế tửu, trông coi việc học hành ở Quốc tử giám (tương tự như chức Hiệu trưởng trường Đại học ngày nay).
Ở Quốc Tử giám, ông chú trọng việc đào tạo nhân tài. Bởi vậy ông đã dâng lên vua Tự Đức bản sớ xin chấn chỉnh việc giáo dục. Ngoài giáo dục, ông còn dâng sớ đề nghị triều đình cải cách công tác quốc phòng, kinh tế rất sâu sắc... Những quan điểm thẳng thắn ấy đã tạo cho Vũ Duy Thanh những uy tín trong triều đình, người ta không chỉ nể ông là người học rộng, hiểu nhiều mà còn khâm phục ông về tư chất của một vị quan bộc trực thẳng thắn.
Năm 1858, quân Pháp nổ súng xâm lược bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ông đã dâng sớ xin quyết đánh. Thấy đối phương có tàu chiến và đại bác, ông đã dày công nghiên cứu binh thư, tìm phương sách chống giặc. Vũ Duy Thanh còn chế tạo tàu chiến để chống giặc. Nhiệt huyết của Vũ Duy Thanh đang dâng cao thì ông đột ngột mất ngày 9 tháng 5 năm 1859, hưởng thọ 53 tuổi.
Vũ Duy Thanh – người cuối cùng đoạt danh hiệu Bảng nhãn của nền khoa cử thời phong kiến cũng được xem là người chế tạo tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay đối với nhân dân trong vùng, là niềm tự hào, là tấm gương sáng để nhiều thế hệ học tập.
Lăng mộ Vũ Duy Thanh
Lăng mộ là nơi an táng Vũ Duy Thanh nằm ở cuối làng Vân Bòng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, theo thế đất ngày xưa gọi là “Long vĩ” (đuôi rồng), sát Quốc lộ 10. Đặc biệt mộ phần, ngoài ý nghĩa là nơi an táng ông, hiện còn bản văn bia có giá trị ghi lại lịch sử, thân thế và sự nghiệp của ông, là một hiện vật quan trọng có giá trị lịch sử cao, là nơi chiêm bái của nhiều người khâm phục tài năng và đức độ của ông.
Lăng mộ Vũ Duy Thanh là di tích lịch sử văn hoá quý giá của nước Việt Nam nói chung, của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình nói riêng. Năm 1993, lăng mộ cùng với nhà thờ Vũ Duy Thanh được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để bảo tồn di tích, lăng mộ Vũ Duy Thanh đã được các cấp chính quyền tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích, góp phần lưu giữ một di sản quý giá trong lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan du lịch và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Khu lăng mộ với diện tích là 1.740m2, bao gồm: Cổng chính, khu lăng mộ, bình phong, nhà đón tiếp, trưng bày, nhà bia, bút tháp, đồi tùng và lầu hoá vàng.
Cổng vào khu lăng mộ được tôn tạo theo kiến trúc, vật liệu truyền thống và quy mô nguyên trạng vị trí cũ, xây bao tường cuốn vòm. Đi vào trong, phía bên trái cổng chính là nhà bia. Nhà che bia đá ghi công có hình thức kiến trúc lầu 2 tầng 8 mái. Bộ khung và vì bằng gỗ lim với 4 trụ gỗ đặt trên 4 chân tảng đá. Mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát phục chế. Bậc tam cấp đá xanh, thành bậc bố trí rồng mây. Tiếp đến là nhà đón tiếp, trưng bày, công trình gồm 3 gian, mỗi gian rộng 3,3m, toàn bộ vì mái được gia công bằng gỗ lim, mái được lợp ngói mũi hài. Phía trước cả 3 gian là hệ cửa đi thượng song hạ bản mang đậm nét văn hoá truyền thống Việt Nam. Tại sân trước nhà đón tiếp trưng bày là tháp bút. Kiến trúc tháp được chia thành 3 phần: chân tháp, thân tháp và đỉnh tháp với tổng chiều dài là 7,2m, trên đỉnh tháp gắn ngọn bút. Tháp được đục trạm, gia công bằng đá xanh nguyên khối.
Mộ phần cụ Bảng Vũ Duy Thanh được đặt quay về hướng Đông Nam, mộ được ốp bằng đá khối xanh có nguồn gốc tự nhiên, thiết kế theo phong cách lăng mộ đá thời nhà Nguyễn và được trạm khắc tinh xảo. Xung quanh mộ phần được tôn tạo tường hoa lửng bằng đá xanh nguyên khối. Nghi môn bao gồm 2 trụ biểu, đỉnh trụ hình dạng lồng đèn, toàn bộ trụ biểu đục trạm hoa văn, gờ chỉ, mặt trước thân trụ trạm nổi câu đối. Phía sau khu mộ là đồi tùng, phía trước khu mộ là am hoá sớ.
Lăng mộ Vũ Duy Thanh đã, đang và sẽ là điểm thu hút du khách đến tham quan và mong muốn tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Vũ Duy Thanh – một vị quan tài năng, đức độ luôn nghĩ về dân, về nước./.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ di tích Nhà thờ và mộ phần danh nhân văn hoá Vũ Duy Thanh của Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình.
- Quyết định 378/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về phê duyệt dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Khu lăng mộ Vũ Duy Thanh, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh.
- Quyết định 1048/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 của UBND huyện Yên Khánh về phê duyệt dự án mở rộng khuôn viên và xây dựng các hạng mục phụ trợ lăng mộ Vũ Duy Thanh.