Sáng ngày 26/10/2023, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình tại khách sạn Hoàng Sơn Peace, thành phố Ninh Bình.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune, One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP được nhiều nước trên thế giới triển khai với các tên gọi khác nhau, nhưng đều có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị làng, xã để tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, dê, thỏ...), thủy hải sản (tôm, ngao)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Ninh Bình có thể triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên toàn tỉnh Ninh Bình có 36 đơn vị với hơn 100 sản phẩm được công nhận xếp hạng OCOP với các nhóm sản phẩm đa dạng như : Nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm vải và may mặc, nhóm thảo dược,….
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, bàn các giải pháp liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình. Theo đó rất nhiều các giải pháp được đưa ra như: tạo các chương trình trải nghiệm quy trình làm ra các sản phẩm OCOP cho khách du lịch; liên kết hợp tác mời các KOL quảng bá các sản phẩm; tham gia các hội chợ, hội nghị liên kết quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương,….
Du lịch là một trong những kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho các sản phẩm OCOP. Qua du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ tỏa đi nhiều nơi. Và ở chiều người lại, những thành quả và định hướng phát triển sản phẩm OCOP đang tạo ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng thôi thúc du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Ninh Bình. Thông qua hội nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, qua đó góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế./.