Ngành Du lịch Ninh Bình nỗ lực cao nhất để vượt chỉ tiêu được giao

Cập nhật: 27/09/2023
Với việc đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều nhiệm vụ đã được ngành Du lịch triển khai hiệu quả, tạo đà để hoàn thành vào hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Nhân dân và du khách thập phương về dự Lễ hội Tràng An năm 2023. Ảnh: Minh Đường

Nửa nhiệm kỳ nỗ lực vượt khó 

Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi thách thức. Là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất nhưng du lịch cũng là ngành có tốc độ phục hồi và phát triển nhanh nhất sau đại dịch. Thời gian dịch bệnh, thay vì ngưng trệ hoàn toàn thì các doanh nghiệp du lịch tận dụng thời gian để tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khách sạn, nhà hàng, homestay... nâng cấp dịch vụ, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, ngành Du lịch đã chủ động, linh hoạt trong công tác tham mưu đóng, mở cửa đón khách. Nhờ vậy, Ninh Bình là một trong những địa phương mở cửa du lịch sớm nhất, có lượng khách du lịch đông và xếp vào tốp đầu cả nước ngay khi mở cửa sau dịch. 

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Giai đoạn 2021-2023, mặc dù bị tác động lớn của đại dịch COVID-19, toàn ngành vẫn vượt qua khó khăn, thách thức. Năm 2021, toàn tỉnh đón trên 1 triệu lượt khách. Năm 2022 đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 5,52 triệu lượt khách, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt hơn 5.060 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. 

Xuyên suốt nửa nhiệm kỳ qua, ngành Du lịch đã tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy phát triển du lịch và công tác quản lý Nhà nước nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, chú trọng nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử với du khách... 

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động du lịch được tổ chức với quy mô lớn, góp phần thu hút đông đảo du khách như: Năm du lịch Quốc gia Hoa Lư, Ninh Bình 2021; Tuần Du lịch Ninh Bình hàng năm với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"; Lễ hội Tràng An, Lễ hội chùa Bái Đính... 

Tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; có 3 năm liền Ninh Bình được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. 

Năm 2022, tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Time Out (Anh) bình chọn Ninh Bình là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á nhưng vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới. Năm 2023, du lịch Ninh Bình được bình chọn trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tốt nhất thế giới; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 lần liên tiếp được công nhận là Công viên quốc gia hàng đầu Châu Á. 

Những danh hiệu cao quý và muôn vàn mỹ từ mà du khách trong nước và quốc tế đã dành tặng cho mảnh đất Ninh Bình trong 3 năm gần đây càng thể hiện vẻ đẹp đầy tiềm năng của vùng đất "tụ sơn hội thủy", góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực để ngành Du lịch tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại. 

Phát triển du lịch bền vững 

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin: Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu đón trên 8,25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 1 triệu lượt, khách nội địa ước đạt trên 7,25 triệu lượt khách (vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra là 8 triệu lượt). Phấn đấu doanh thu du lịch ước đạt trên 10.000 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Đại hội XXII giao từ 8.000-9.000 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2025 giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có khoảng 9.000 lao động trực tiếp. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. 

Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch. 

Chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đó là: tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch và tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ngành Du lịch tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao. 

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của tỉnh, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng cao mang thương hiệu du lịch Ninh Bình. 

Đồng thời phát triển cả du lịch nội địa và quốc tế, trong đó có chú trọng đến khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp. 

Ngành cũng tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử văn hóa, về con người để phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương tại các khu du lịch, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. 

Xây dựng các chương trình, quy chế bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị các điểm du lịch, trong đó có các quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng, tăng cường bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa để góp phần phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn