Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại

Cập nhật: 27/07/2023
Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử trở lại thời vua Đinh dựng nước nơi đây từng được coi là trấn Tây của “Hoa Lư tứ trấn” để bảo vệ kinh thành Hoa Lư xưa. Đền thờ Thần Cao Sơn thuộc khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Theo như thần tích thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được Vua Đinh cho phép dân lập đền thờ để bảo vệ kinh đô từ hướng tây trên núi Đính.

Đến thời nhà Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã chọn nơi đây là nơi tu hành, dựng chùa tu Phật và hành lễ cầu độ chúng sinh. Sinh thời Ngài còn chăm chút vun trồng vườn thuốc cứu sinh độ thế muôn dân, đặt tên là “Sinh Dược” dạy nhân dân trong vùng cách trồng và sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh cứu người. Danh tiếng Quốc sư triều Lý -  Đức Thánh Nguyễn được lưu truyền với bao huyền thoại, huyền tích lưu truyền hàng ngàn đời trong nhân dân, làm cho cả vùng Hoa Lư – Bái Đính trở thành vùng huyền thoại thiêng liêng, lóng lánh đa sắc màu của văn học dân gian Việt Nam. Như thế, Bái Đính không chỉ có ngàn năm tâm linh mà còn là ngàn năm huyền thoại.

Suốt dặm dài lịch sử dân tộc, hơn một ngàn năm kể từ khi Hoa Lư là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và tôn giáo của cả nước, trải qua bao cuộc hưng vong, binh đao khói lửa, Hoa Lư – Bái Đính vẫn là điểm hội tụ của linh khí núi sông của tâm linh dân tộc với những kiến trúc lăng tẩm, đền đài với dấu vết kinh thành một thời vàng son. Ngày nay, khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính trở thành biểu tượng tâm linh thiêng liêng – một trung tâm tâm linh Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Nguồn: Nhật Quỳnh; Ảnh: Xuân Lâm