Làng nghề truyền thống là không gian lưu giữ những tinh hoa văn hoá được truyền từ đời này sang đời khác và được đúc kết qua bàn tay của các nghệ nhân tài hoa. Mỗi làng nghề truyền thống đều chứa đựng trong đó những hình ảnh đầy bản sắc khẳng định nét riêng biệt độc đáo không thể thay thế, những yếu tố văn hoá đặc trưng của từng làng nghề, từng địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp để quảng bá và phát triển du lịch địa phương. Các loại hình làng nghề càng đa dạng, phong phú, độc đáo càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hoá lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công sẽ phản ánh đặc trưng ở mỗi vùng.
Ninh Bình – vùng đất cố đô với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo cùng những di tích lịch sử hào hùng. Nơi đây chứa đựng những giá trị văn hoá phi vật thể nổi tiếng bao gồm 225 lễ hội truyền thống và 83 làng nghề đặc sắc thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Một số làng nghề tiêu biểu được du khách biết đến như làng nghề thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, nghề gốm Gia Thủy, nghề gốm Bồ Bát, nghề mộc Phúc Lộc, nghề cói Kim Sơn,... Trong đó, có những nghề đã xuất hiện từ thời xa xưa, khi con người biết chế tác ra công cụ sản xuất và các vật dụng cho sinh hoạt, trang sức, trang trí như nghề chế tác đá, gỗ, làm gốm, đúc đồng, đan lát... Những nghề ngày được lưu giữ, phát triển và dần dần giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Mỗi nghề truyền thống qua quá trình hình thành và phát triển đã tạo nên giá trị văn hoá của cá nhân, cộng đồng, vùng miền. Mỗi sản phẩm với những bí quyết về kỹ thuật, kỹ nghệ chết tác sản phẩm sẽ mang theo dấu ấn của người nghệ nhân, thể hiện những sắc thái, tập quán và văn hoá của từng địa phương.
Nghề chế tác đá Ninh Vân (Hoa Lư) mang đậm dấu ấn giai đoạn kiến tạo Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt (trước đây được mệnh danh là “Kinh đô đá”). Ngày nay ta có thể chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc bằng đá được chạm khắc tinh tế tại đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, đền Trần (Tràng An), chùa Nhất Trụ, Đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm. Đây đều là những công trình văn hoá đặc sắc.
Nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) tương truyền có từ thời Trần. Sau khi vua Trần rời đô về Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã cho cung nữ truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren cung đình. Và đến nay, nghề thêu ren đã có trên 700 năm. Trước đây, người dân Văn Lâm chuyên thêu các sản phẩm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hoá tâm linh, đặc biệt là trong các lễ hội như: Quần, áo, mũ của đội tề; tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền. Trải qua thời gian, người dân Văn Lâm vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, tạo ra những đột phá trong mẫu mã và sản phẩm của mình. Các nghệ nhân đã đổi mới, sáng tạo thêm nhiều loại hình sản phẩm, đa dạng thêm mẫu mã để không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Nghề gốm Bồ Bát (Yên Thành, Yên Mô) đã có hàng ngàn năm lịch sử, là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi sanh với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo phục vụ cho tiêu dùng và xây dựng. Điều này được minh chứng qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc được tìm thấy khi khai quật khảo cổ tại vùng này. Ngày nay, gốm Bồ Bát được nhiều người biết đến với các sản phẩm chính là ấm chén, bát đĩa, bình hoa, chuông gió, tranh gốm mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật, vòng cổ bằng gốm đa dạng về hình dáng, mẫu mã được trang trí bằng những hoạ tiết truyền thống, tinh tế và được vẽ bằng men màu rất độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây.
Nghề mộc truyền thống được phổ biến rộng rãi khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng nổi tiếng nhất là nghề mộc Phúc Thọ (Ninh Phong, Ninh Bình). Làng nghề ra đời cách đây hàng trăm năm, phát triển theo hướng cha truyền con nối. Trước đây, người thợ Phúc Lộc chủ yếu sáng tạo ra những sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ cho đền, đình, chùa, nhà thờ. Sau đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, làng nghề Phúc Lộc đã hướng đến sản xuất các mặt hàng dân dụng như cửa, bàn, ghế, tủ, sập, chấn song, tay vịn cầu thang, hàng trang trí nội thất... và dần đưa hàng thủ công mỹ nghệ (khảm trai) vào sản xuất và xuất khẩu.
Làng nghề dệt cói (Kim Sơn) ra đời cách đây gần 200 năm, sau khi chính doanh điền sư Nguyễn Công Trứ khai hoang vùng đất ven biển này theo lệnh của vua Minh Mạng. Trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân Kim Sơn đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói và lấy đó làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm từ cói. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất chiếu cói. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, những người dân địa phương sản xuất thêm nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: thảm, làn, khay, hộp, mũ, túi xách... được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Du lịch làng nghề sẽ là hành trình khám phá những giá trị văn hoá của từng địa phương. Tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm nên sản phẩm, khám phá đời sống của cư dân làng nghề sẽ là một trong những xu hướng du lịch được nhiều du khách lựa chọn. Với hình thức du lịch làng nghề, du khách sẽ được hoà mình vào cuộc sống của người dân địa phương, vừa được hưởng trọn vẹn không gian của làng quê, lại có điều kiện tìm hiểu nét văn hoá lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống lao động của người dân. Như vậy vừa tạo được sự đa dạng trong hành trình du lịch, vừa tạo sự tò mò, gây ấn tượng cho du khách. Và theo đó, thời gian lưu trú của khách sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về dịch vụ ăn uống, mua sắm tăng theo, đặc biệt là nhu cầu mua sắm những sản phẩm của các làng nghề sở tại. Chính điều này tạo cơ hội bán hàng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần tăng nguồn thu cho người dân và tăng ngân sách cho địa phương.
Phát triển du lịch làng nghề truyền thống sẽ là hướng đi mới, mang lại lợi ích lâu dài, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hoá. Vì vậy, mỗi làng nghề cần được quy hoạch phù hợp với hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị văn hoá làng nghề và địa phương. Cơ sở giao thông, môi trường cảnh quan cần được chú trọng để tạo điều kiện cho du khách dễ tiếp cận với các làng nghề cũng như mở rộng cơ hội giao thương. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống làng nghề thông qua phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng địa phương vào hoạt động phát triển du lịch; tập trung bồi dưỡng nghiệp, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục truyền, dạy nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng văn hoá của từng nơi. Song song với đó cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm của các làng nghề thông qua các hội chợ xúc tiến, triển lãm, lễ hội, các đoàn farmtrip hay các ấn phẩm truyền thông; chú trọng việc liên kết giữa các làng nghề cũng như các khu, điểm du lịch; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch từ làng nghề, hướng đến gia tăng trải nghiệm tại chỗ, khuyến khích du khách mua mang về để sử dụng và làm quà tặng, nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch từ các làng nghề.
Có thể nói Ninh Bình có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch sẽ mang đến hiệu quả kép, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh.