Núi Mã Yên

Cập nhật: 06/12/2022
Núi Mã Yên là một di tích trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, nằm ở phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Núi có hình chiếc yên ngựa khổng lồ nên người xưa đặt tên chữ cho núi là Mã Yên Sơn. Tương truyền vua Đinh Tiên Hoàng lấy núi Mã Yên làm tiền án cho cung điện của kinh đô Hoa Lư, ngày nay núi cũng là tiền án cho đền thờ vua Đinh.

Núi Mã Yên nhìn từ cổng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: Xuân Lâm

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép lại năm 979, vua Đinh Tên Hoàng băng hà, triều đình an táng Ngài ở sơn lăng Trường Yên. Còn theo truyền thuyết kể lại rằng sau khi vua Đinh mất, người ta đã làm 99 chiếc quan tài đưa đi mai táng khắp nơi. Nhưng chỉ có trên núi Mã Yên là có lăng vua Đinh, phải chăng đây là nơi “Quàn” một trong  99 quan tài đó. Xây dựng lăng vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên người xưa như muốn đề cao tinh thần thượng võ của Ngài, tuy đã về nơi chín suối nhưng vua Đinh lúc nào cũng ở trên yên ngựa.

Lăng vua Đinh được xây trên một mảnh đất khá bằng phẳng ở phần võng xuống của chiếc yên ngựa trên đỉnh núi Mã Yên, cạnh lăng có một tấm bia đá. Mặt trước văn bia có hàng chữ: “Đinh Tiên Hoàng đế chi lăng, Minh mệnh nhị thấp thất niên, ngũ nguyệt sơ nhị nhật, phụng sắc kiến” ( Nghĩa là: Lăng của vua Đinh Tiên Hoàng triều Đinh, ngày mồng hai tháng năm năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) phụng chỉ xây dựng).  Mặt sau văn bia có hàng chữ: “Hàm Nghi nguyên niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu Tiên đế lăng” (Nghĩa là: Năm đầu tiên Hàm Nghi (1885) ngày 24/9 trùng tu lăng tiên đế). Để tham quan lăng vua Đinh du khách leo qua 265 bậc đá lên đỉnh núi Mã Yên, từ đây du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh khu di tích cố đô Hoa Lư.

Dưới chân núi Mã Yên đi về phía Nam, du khách thấy núi có hình như chiếc ngai, nên núi có tên chữ là Hoàn Ỷ sơn. Ở giữa chiếc ngai đá khổng lồ đó người xưa xây lăng vua Lê Đại Hành với quan niệm rằng tuy vua Lê đã khuất nhưng lúc nào Ngài cũng còn ngồi trên ngai vàng (Vua Lê Đại Hành ở ngôi 25 năm, Ngài cũng là ông vua có thời gian trị vì lâu năm trong các triều đại phong kiến Việt Nam). Cạnh lăng vua Lê có một tấm bia đá với nội dung: “Lê Đại Hành hoàng đế lăng, Minh Mệnh nhị thập thất niên, ngũ nguyệt sơ nhị nhật sắc kiến” ( Nghĩa là: Lăng hoàng đế Lê Đại Hành, ngày mồng 2 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) sắc chỉ xây dựng).

Theo phong thủy của người xưa, lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều ở vào nơi được gọi là “Huyệt đế vương” và rất có thể đây chính là nơi an táng thi hài vua Đinh và vua Lê sau khi các Ngài băng hà. Mỗi khi có dịp về thăm di tích cố đô Hoa Lư, du khách lên núi Mã Yên thăm lăng vua Đinh, vua Lê thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức của các Ngài – những vị anh hùng kiệt xuất đã có công lớn trong buổi đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước./.

Nguồn: Nhật Quỳnh; Ảnh: Xuân Lâm